Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Văn hóa cồng chiêng trong thời hội nhập

PV - 10:37, 18/12/2018

Mới đây, tại Gia Lai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng. Hội thảo có sự góp mặt của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia về văn hóa cồng chiêng trong cả nước. Theo đánh giá của các đại biểu, công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hiện nay vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.

văn hóa cồng chiêng Các nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng.

Cồng chiêng trước nguy cơ mai một

Tiếng cồng chiêng là nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng các DTTS Tây Nguyên, được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử, góp phần làm phong phú kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nói đến cồng chiêng là nói đến tâm hồn, tình cảm của người Tây Nguyên. Nhưng theo kết quả điều tra của các nhà khoa học, hiện chỉ có khoảng 1,4% đồng bào DTTS ở Tây Nguyên biết sử dụng cồng, 9,3% biết sử dụng chiêng, 5% biết sử dụng trống, hơn 86% không biết dân tộc mình có trường ca nào và chỉ còn khoảng 10.000 bộ cồng chiêng đang được đồng bào các dân tộc Tây Nguyên lưu giữ. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng hiện nay là cấp bách và vô cùng cần thiết.

GS-TS khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho biết: Sau khi được UNESCO vinh danh, các tỉnh Tây Nguyên đều có những biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng, tuy nhiên các biện pháp chỉ dừng lại ở kiểm kê số lượng nhạc cụ, số lượng nghệ nhân và hiện trạng thực hành trong đời sống thường ngày. “Những cố gắng này chỉ góp phần duy trì một bộ phận của di sản cồng chiêng trong các hoạt động văn hóa ở cơ sở, không mấy hiệu quả và hấp dẫn công chúng, nhất là với lớp trẻ”, GS-TS Tô Ngọc Thanh chia sẻ thêm.

Còn theo quan điểm của GS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đặt ra nhiều thách thức đáng suy ngẫm, trong đó, phải kể đến sự thay đổi về hình thức canh tác của nền sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt truyền thống của cộng đồng các DTTS, dẫn đến bối cảnh sinh hoạt văn hóa cồng chiêng nguyên gốc cũng có sự tác động thay đổi.

Cũng theo GS-TS Nguyễn Chí Bền, việc chuyển giao các phong tục, kiến thức, bí quyết văn hóa cồng chiêng cho thế hệ kế tiếp bị gián đoạn, bởi hàng thập kỷ chiến tranh. Nghiêm trọng hơn, hiện nay, rất nhiều nghệ nhân cao tuổi đã về với tổ tiên; sự quyến rũ ảnh hưởng của các luồng văn hóa ngoại lai khiến cồng chiêng mất đi ý nghĩa linh thiêng và bị bán đi để tái chế hoặc bị đem ra trao đổi với các hàng hóa khác. Ngày nay, nạn “chảy máu” cồng chiêng diễn ra phức tạp khắp mọi nơi, số lượng nghệ nhân đang giảm mạnh. Đặc biệt, lối sống của giới trẻ bị cuốn theo trào lưu hiện đại, xa rời gốc rễ không còn tha thiết với các loại nhạc cụ truyền thống, các trường ca, sử thi của cộng đồng.

văn hóa cồng chiêng Nghệ nhân dân tộc Xơ đăng biểu diễn cồng chiêng và trống. (Ảnh Tấn Vịnh)

Cần giải pháp bảo tồn bền vững

Có thể nói, cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước những thách thức lớn, nên việc tìm giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là hết sức cấp bách và cần thiết. GS-TS khoa học Tô Ngọc Thanh cho rằng: Đối với các hoạt động có dàn cồng chiêng như chiêng ăn trâu, chiêng bỏ mả…, chúng ta cần giúp đỡ đồng bào tiếp tục thực hành trong cuộc sống, gắn với điều kiện bảo tồn mọi mặt. Ngoài ra, cần phải truyền dạy toàn bộ vốn di sản cồng chiêng cho lớp trẻ theo phương pháp đồng bộ, bao gồm cả nội dung của các hoạt động chức năng thực hành xã hội của mỗi bài chiêng. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải giúp thế hệ trẻ hiểu được vốn di sản quý báu và những ngọt bùi đắng cay mà tổ tiên đang gửi gắm, qua đó chọn lọc và xây dựng nền văn hóa đương đại tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Các nhà khoa học về bảo tồn văn hóa cồng chiêng đều thống nhất, việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong thời kỳ hội nhập rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương; Trong đó, các địa phương phải kết nối, giúp đỡ đội ngũ các nghệ nhân cồng chiêng, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống tốt, ngày càng tâm huyết hơn với việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng.

“Cần xây dựng lộ trình về bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên phù hợp hơn. Phải thực hiện từ cách tiếp cận tổng thể, theo các tiêu chí giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà UNESCO đưa ra để có cách bảo tồn bền vững hơn”, GS-TS Nguyễn Chí Bền nêu quan điểm.

Trong Lễ khai mạc Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 vừa diễn ra ngày 30/11/2018 tại TP. Pleiku (Gia Lai), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Chúng ta gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng cũng chính là gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên truyền thống. Nếu như mọi thực thể sống đều cần tới một hệ sinh thái nhất định, thì cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng chỉ có thể thực sự sống động và phát triển trong một không gian phù hợp.

Thủ tướng khẳng định, Đảng và Chính phủ gửi gắm sứ mệnh giữ gìn không gian văn hóa này cho cộng đồng các dân tộc và đồng bào Tây Nguyên. “Tôi tin rằng không ai làm việc này tốt hơn chính đồng bào ở đây, những chủ thể đích thực của di sản độc đáo”.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.