Một cán bộ Hội Nông dân của xã Yên Thành, huyện Yên Bình, Yên Bái chia sẻ, vài năm trước đây, cứ vào thời điểm gần đến Tết Nguyên đán là lại có vài người dân ngày nào cũng thơ thẩn đi ra, đi vào ngoài trụ sở Ủy ban xã. Hỏi một bác trung niên: “Bác ra xã có việc gì mà ngày nào cũng có mặt ở đây vậy?”, ông trả lời: “Tết nhất đến nơi rồi, mình ra xã xem Nhà nước có cho cái gì không để mang về ăn Tết!”
Còn một cán bộ ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) thì “tâm tư”, chị gặp rất nhiều khó khăn khi đi vào bản điều tra, khảo sát mức sống để lập danh sách hộ nghèo. Không ít các hộ gia đình đồng bào Mông ở vùng cao đều cố tình dấu tài sản và than nghèo, kể khổ để được đưa vào danh sách hộ nghèo. Nhiều hộ gia đình có cả chục con trâu, nhưng khi cán bộ hỏi thì đồng bào dấu biệt. Khi bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhiều người còn lên tận xã đòi trở lại hộ nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.
Ở vùng đồng bào DTTS, tư tưởng muốn làm hộ nghèo khá phổ biến, với tâm lý để được là hộ nghèo, phải “phấn đấu” “vào” nhưng không muốn “ra”. Thực tế, bà con DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách đặc thù không cần lao động mà hằng tháng vẫn có tiền trợ cấp. Số tiền tuy không nhiều, nhưng cũng đủ sống, trong khi họ cũng chẳng có nhu cầu gì nhiều, từ đó hình thành tâm lý an phận, ỷ lại, trông chờ vào chính sách.
Để giảm nghèo bền vững, có lẽ việc cần phải làm thường xuyên, liên tục là tập trung tuyên truyền giúp người dân khơi dậy ý chí vươn lên, quyết tâm thoát nghèo đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phó mặc vào “ông Nhà nước”.
NGỌC ÁNH