Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Vai trò của cộng đồng trong phòng chống, khắc phục thiên tai: Tiếp tục đẩy mạnh phổ biến kiến thức PCTT (Bài 2)

Nhóm PV-CĐ - 11:54, 08/10/2021

Trước những tác động khó lường của biến đổi khí hậu, việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống thiên tai (PCTT) đóng vai trò quan trọng. Thời gian qua, Tổng cục PCTT, các cơ quan, ban, ngành có liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp, tổ chức nhiều hoạt động phổ biến kiến thức PCTT trong cộng đồng.

Tổ chức sơ tán người dân trước khi bão đổ bộ. Ảnh: VGP/Minh Trang
Tổ chức sơ tán người dân trước khi bão đổ bộ. Ảnh: VGP/Minh Trang

Tiếp tục đẩy mạnh phổ biến kiến thức PCTT

Trong thời gian qua, Tổng cục PCTT, các cơ quan ban, ngành, tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều giải pháp, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong PCTT, với hình thức đa dạng, linh hoạt, dễ hiểu, dễ làm theo.

Theo đó, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hàng nghìn cán bộ làm công tác PCTT cấp tỉnh; tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về đánh giá rủi ro thiên tai; Xây dựng nhiều tài liệu truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCTT phù hợp với từng đối tượng, vùng miền; các tài liệu đã được gửi tới Ban Chấp hành PCTT và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, đài phát thanh truyền hình các địa phương để tuyên truyền, phổ biến cho người dân. Hiện nay, các tài liệu này đã được đăng tải trên website của Tổng cục PCTT.

Bên cạnh đó, Tổng cục PCTT đã phổ biến, nâng cao kiến thức về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cho học sinh; Triển khai thực hiện toàn diện mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng theo nội dung Đề án 1002 tại một số tỉnh miền Trung.

Cùng với việc triển khai các giải pháp để nâng cao nhận thức cộng đồng, và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, thì việc phổ biến kiến thức về PCTT cho người dân, nhất là người dân ở khu vực miền núi thường xuyên đối diện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tiếp tục được tăng cường. 

Hiện Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT cũng đã biên soạn, xuất bản tài liệu “Những bài học kinh nghiệm ứng phó với các trận lũ quét, sạt lở đất điển hình từ năm 2000-2019”. Cuốn tài liệu này là kinh nghiệm quý cho chính quyền các cấp, người dân và cộng đồng ở khu vực miền núi có thể phòng tránh, ứng phó với loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, cuốn tài liệu cũng đưa ra những hướng dẫn cần thiết cho lực lượng ứng cứu, chính quyền địa phương và người dân, cộng đồng ở khu vực miền núi khi xảy ra thiên tai. 

Giảng viên của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội tuyên truyền kiến thức thiên tai cho Nhân dân xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội).
Giảng viên của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội tuyên truyền kiến thức thiên tai cho Nhân dân xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Từ thực tiễn công tác PCTT dựa vào cộng đồng, năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009, phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Một trong những mục tiêu của Đề án là tất cả các làng, xã ở những vùng có nguy cơ cao, xây dựng được lực lượng nòng cốt có chuyên môn, nghiệp vụ về giảm nhẹ thiên tai, lực lượng tình nguyện viên để hướng dẫn và hỗ trợ Nhân dân trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; 70% số dân các xã thuộc vùng thường xuyên bị thiên tai được phổ biến kiến thức về phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai…

Thực hiện Đề án, những năm qua, Tổng cục PCTT và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương đã tổ chức tập huấn cho hàng trăm nghìn lượt cán bộ và người dân kiến thức về PCTT. Chỉ tính trong năm 2020, Tổng cục PCTT đã tổ chức tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai cho 3.097 lượt cán bộ và người dân 3 cấp tỉnh, huyện, xã cho 18 tỉnh, thành phố, trong đó có cả người khuyết tật…

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Yêu cầu nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, tiếp tục được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 379/QĐ-TTg, ngày 17/3/2020.

Các chiến sĩ quân đội cùng người dân tham gia hộ đê
Các chiến sĩ quân đội cùng người dân tham gia hộ đê

Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ; giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011 - 2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011 - 2020, không vượt quá 1,2% GDP; Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng PCTT; lực lượng làm công tác PCTT được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức, trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm "4 tại chỗ";...

Để đạt mục tiêu đã đề ra, nhiệm vụ, giải pháp chung thực hiện Chiến lược là hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về PCTT bảo đảm đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi; nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực PCTT và cứu hộ cứu nạn; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai;...

Về nhiệm vụ và giải pháp đối với từng vùng, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sẽ được thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ triệt để, chủ động phòng, chống bão, ngập lụt, hạn hán. Vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; ứng phó, thích nghi với mưa đá, rét hại.

Vùng Duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận), chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển; 

Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ sẽ tập trung phòng chống hạn hán, lũ, ngập lụt, bão. Còn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, thì chủ động "sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn", thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững…

Theo ông Đặng Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng (Tổng cục PCTT), để thực hiện một cách căn cơ, bài bản trong công tác PCTT dựa vào cộng đồng, cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách, các quy định để phát huy sự chủ động tham gia của người dân, tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho cộng đồng; Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho những người làm công tác PCTT; tập huấn nâng cao kiến thức cho trưởng thôn, Người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ truyền thông, tuyên truyền cấp cơ sở; xây dựng kế hoạch, tổ chức đánh giá rủi ro thiên tai có sự tham gia của cộng đồng; phổ biến, tuyên truyền kịp thời tới cộng đồng để không bị lặp lại thiệt hại cho các thiên tai tương tự;…

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.