Trình bày báo cáo về tình hình thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới (BĐG), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc triển khai thực hiện chính sách BĐG trong quá trình triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được thực hiện theo nguyên tắc hỗ trợ đối với doanh nghiệp này do nữ làm chủ. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước, học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ 100% học phí tham gia khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh chuyên sâu.
Theo báo cáo, năm 2021, ngân sách Trung ương hỗ trợ 35 tỷ đồng cho công tác đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, chú trọng đến công tác đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ và doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ. Bên cạnh nguồn lực trong nước, Bộ KH&ĐT tiếp tục huy động nguồn tài trợ quốc tế để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nhân nữ khi tham gia triển khai dự án khu vực “Thúc đẩy hỗ trợ doanh nhân nữ” do Chính phủ Canada tài trợ thông qua Ủy ban Kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN-ESCAP) thực hiện giai đoạn 2020 - 2023, Dự án Trao quyền kinh tế cho phụ nữ do UN-Women thực hiện.
Về số lượng doanh nghiệp do nữ làm chủ thành lập mới và giải thể, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nêu rõ, năm 2020, có 41.368 doanh nghiệp thành lập mới và 6.373 doanh nghiệp giải thể. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 20.405 doanh nghiệp thành lập mới và 3.346 doanh nghiệp giải thể. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và người đại diện theo pháp luật của công ty hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh là nữ.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động hầu hết các mặt của đời sống kinh tế cũng như triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu. Bộ KH&ĐT nhận diện 8 nhóm vấn đề cần tháo gỡ cho các doanh nghiệp, bao gồm: tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm; doanh thu giảm mạnh trên diện rộng; dòng tiền bị thiếu hụt nghiêm trọng khiến doanh nghiệp rất khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào, làm đội chi phí giá thành sản xuất; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kể cả lưu thông trong nước, giữa một số tỉnh, thành phố do áp dụng các chính sách phòng, chống dịch bệnh chưa hợp lý; khó khăn về lao động và chuyên gia; khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Do đó, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ cũng gặp nhiều khó khăn.
Tại cuộc họp, các đại biểu BĐG nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân, bảo đảm cho mục tiêu, định hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ. Ngoài ra, cần thực hiện việc kiểm tra, giám sát các kế hoạch, chương trình mục tiêu có tính đến giới và thực thi luật pháp về giới, tăng cường tập huấn về công tác BĐG để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm thực hiện các mục tiêu về giới thiết thực, hiệu quả hơn.
Nội dung thực hiện các mục tiêu quốc gia về BĐG 6 tháng đầu năm 2021 sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai tới đây./.