Trình bày Tờ trình của Chính phủ trước UBTV Quốc hội về đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thủ đô, thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện kết luận của UBTV Quốc hội, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội trên cơ sở sau:
Kết luận của UBTV Quốc hội tại Phiên họp 44 về nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải bảo đảm khả năng trả nợ. Cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng. Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội. Cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công. Cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương. Việc giao cho Hội đồng nhân dân (HĐND) quyết định về cơ cấu ngân sách sử dụng cho giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ.
Đề xuất của UBND TP. Hà Nội bổ sung thêm 3 nội dung, gồm: HĐND TP. Hà Nội quyết định một số khoản thu phí (ban hành danh mục, tăng mức). Ngân sách TP. Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất. Ngân sách TP. Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Kết thúc phần thảo luận, UBTV Quốc hội đã biểu quyết 100% đồng ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội. Việc ban hành Nghị quyết là cần thiết để Thủ đô phát triển, làm thí điểm để có tổng kết đánh giá, tăng quyền phân cấp cho địa phương. UBTV Quốc hội sẽ bổ sung nội dung này để trình ra Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.
Cũng trong Phiên họp này, UBTV Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về dự thảo Nghị quyết của UBTV Quốc hội quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); cho ý kiến (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020; cho ý kiến về công tác nhân sự chuẩn bị trình Quốc hội và một số nội dung trình Quốc hội kỳ họp thứ 9.