Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Ủy ban Dân tộc với Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn (Bài 14)

Thúy Hồng - 09:34, 08/08/2023

Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương đã và đang chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719). Theo đó, sẽ có một số chỉ tiêu được đặt ra theo kế hoạch ước tính đến 31/12/2023 hoàn thành.

Đường bê tông thôn Việt Tiến, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, Bắc Giang được đầu tư từ nguồn vốn Dự án 4, Chương trình MTQG 1719
Đường bê tông thôn Việt Tiến, xã Giáo Liêm, huyện Sơn Động, Bắc Giang được đầu tư từ nguồn vốn Dự án 4, Chương trình MTQG 1719

Nỗ lực tháo gỡ vướng mắc

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân nguồn vốn. 

Theo ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện của một số bộ, ngành trung ương còn thiếu, chưa kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các nội dung, dự án, tiểu dự án thành phần của chương trình và tiến độ giải ngân vốn.

Bên cạnh đó, nguồn vốn giao cho các địa phương thực hiện được phân bổ đến từng dự án, do vậy các địa phương không chủ động trong công tác ưu tiên nguồn lực cho các dự án có nhu cầu ưu tiên bổ sung nguồn vốn để thực hiện. Đặc biệt, một số nội dung chính sách mức đầu tư hỗ trợ từ Trung ương còn thấp khó có khả năng thực hiện (như mức hỗ trợ cứng hoá đường liên xã 1,6 tỷ đồng/km; hoặc mức hỗ trợ đất sản xuất là 22,5 triệu đồng/hộ...

Còn theo bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, cơ chế phân bổ kinh phí sự nghiệp của Chương trình còn bất cập, không giao tổng kinh phí cho cả giai đoạn 2021-2025, kinh phí hằng năm giao chi tiết đến từng dự án, nội dung thực hiện dẫn đến các địa phương rất khó cân đối để thực hiện các mục tiêu của Chương trình và cân đối bố trí vốn đối ứng của ngân sách địa phương.

Theo bà Đinh Thị Thảo, để việc tổ chức thực hiện Chương trình đảm bảo theo kế hoạch đề ra rất mong các Bộ, ngành Trung ương sớm hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trên cho các địa phương để kịp thời triển khai thực hiện hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở thực trạng, nhu cầu các địa phương cân đối phân bổ chi tiết cho các dự án thành phần, nội dung để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.  

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành tiếp tục đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hướng dẫn về cơ chế chính sách, trong thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong đó sớm ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, ngày 30/6/2022 của Ủy ban Dân tộc, Thông tư số 15/2022/TTBTC, ngày 04/3/2022 của Bộ Tài chính… để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch năm 2023 và Chương trình MTQG 1719 trong 6 tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội đề xuất điều chỉnh nguồn vốn phù hợp với điều kiện các địa phương; tập trung đôn đốc triển khai có hiệu quả nguồn vốn, nội dung đầu tư của chương trình có trọng tâm, trọng điểm để đạt các chỉ tiêu, mục tiêu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao....

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Uỷ ban Dân tộc và các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương với nhiều giải pháp tích cực đã tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển thực hiện Chương trình.

Về kế hoạch vốn thực hiện Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao 49.555,593 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương. Theo đó, trong năm 2022 đã phân bổ tổng số 14.429 tỷ đồng; năm 2023 là 26.433,812 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc phân bổ nguồn vốn.

Tính đến ngày 31/5/2023, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 thực hiện Chương trình là hơn 7.800 tỷ đồng, đạt 18,54%. Một số tỉnh đạt tỉ lệ giải ngân cao so với bình quân của cả nước là Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Quảng Ngãi…

Hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được hỗ trợ bồn nước cho theo nội dung số 04, Dự án 1. Ảnh: Trọng Bảo
Hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được hỗ trợ bồn chứa nước theo nội dung số 04, Dự án 1. Ảnh: Trọng Bảo

Một số chỉ tiêu ước đến 31/12/2023 hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch giao: Tỉ lệ giảm nghèo vùng đồng bào DTTS bình quân đạt 3,40% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao); tỉ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; tỉ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỉ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề; tỉ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học, THCS, THPT đến trường, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông; tỉ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; tỉ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu như trên vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.

Như tại Kiên Giang, 6 tháng đầu năm 2023, tiến độ giải ngân vốn Chương trình MTQG 1719 lũy kế đạt 59,93 tỷ đồng đạt tỷ lệ 21%, cao hơn bình quân cả nước.

Theo ông Danh Phúc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, triển khai Chương trình MTQG 1719, Kiên Giang đã chủ động giải quyết những nội dung theo thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Để tháo gỡ vướng mắc, Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố sớm giải quyết, thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền. Các cấp, các ngành và địa phương đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG…

Còn tại Lào Cai, theo kế hoạch, năm 2023 tỉnh Lào Cai được phân bổ tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 là 1.371.250 triệu đồng. Đến giữa tháng 6, toàn tỉnh giải ngân 150.247 triệu đồng, đạt gần 13% kế hoạch.

Ông Nông Đức Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chủ động thực hiện những nội dung theo thẩm quyền, sớm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đến đối tượng và địa bàn được thụ hưởng.

Với những giải pháp đồng bộ tích cực, từng bước gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719, tiến độ thực hiện các dự án đã được đẩy nhanh. Tuy nhiên, các địa phương cần cân đối, huy động sử dụng và có hiệu quả nguồn lực tạo ra chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế xã hội, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình đã đề ra. 

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận