Báo cáo kết quả tự đánh giá Đề tài do TS. Phú Văn Hẳn, công tác tại Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ làm chủ nhiệm khẳng định: Sau 30 tháng triển khai, Đề tài đã xác lập cơ bản về cơ sở lý thuyết, thực tiễn và xây dựng, phân tích về phát triển bền vững dân tộc Chăm.
Trong đó, Đề tài đã làm rõ các kết quả về kinh tế-xã hội, các mặt cơ bản và những thách thức đặt ra trong đời sống xã hội của dân tộc Chăm trong hơn 30 năm (từ 1986 đến nay); Nhận diện được những vấn đề cơ bản ở dân tộc Chăm liên quan đến ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, môi trường, an sinh, quốc phòng; làm rõ những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, dự báo những vấn đề đặt ra, các vấn đề mới phát sinh ở dân tộc Chăm trong phát triển bền vững…
Đề tài cũng đã đưa ra các quan điểm khoa học, đề xuất, định hướng về phát huy vai trò tích cực của các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội nhằm đảm bảo ổn định và phát triển bền vững dân tộc Chăm đến năm 2030.
Góp ý cho Đề tài, các thành viên Hội đồng cơ bản đánh giá cao chất lượng đề tài Khoa học “Một số vấn đề cơ bản trong phát triển bền vững ở dân tộc Chăm hiện nay”. Đề tài được đánh giá công phu, nghiêm túc, đề xuất được một hệ thống giải pháp khả thi, thuyết phục cả về lý thuyết và thực tiễn. Đây là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách dân tộc và cơ sở khoa học cho việc quản lý xã hội ở vùng DTTS. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cho rằng, Đề tài cần làm rõ một số chỉ báo xã hội học, làm nổi bật thêm các điều tra xã hội để sát với thực tiễn.
Chúc mừng thành công của Đề tài, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải, Chủ tịch Hội đồng Khoa học UBDT bày tỏ kỳ vọng Đề tài sớm được đưa vào giảng dạy và đi vào thực tiễn.