Báo cáo kết quả tự đánh giá Đề tài do GS.TSKH Phan Xuân Sơn, công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh làm chủ nhiệm khẳng định: Sau 35 tháng triển khai, nhóm nghiên cứu đã điều tra 1.800 phiếu tại 9 tỉnh, tổ chức 14 cuộc hội thảo, 30 cuộc tọa đàm và nhiều cuộc phỏng vấn sâu. Nhóm nghiên cứu đã làm rõ những đặc điểm KT-XH, những yếu tố tác động đến xung đột xã hội và điểm nóng chính trị, xã hội vùng DTTS ở Việt Nam, những vấn đề đặt ra, những thách thức đối với việc đổi mới quản lý xung đột xã hội, như: năng lực của hệ thống quản lý, đội ngũ quản lý xung đột...
Đề tài cũng đã đưa ra các quan điểm khoa học, giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý xung đột, như: Cần có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, phát huy tính cộng đồng trong giải quyết xung đột; nâng cao năng lực quản lý xung đột cho các chủ thể quản lý, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, sự tham gia của Nhân dân trong việc giải quyết xung đột…
Góp ý cho Đề tài, các thành viên Hội đồng cơ bản đánh giá cao chất lượng đề tài KH&CN cấp quốc gia “Quản lý xung đột xã hội và điểm nóng chính trị xã hội ở vùng dân tộc nước ta hiện nay” bởi sự công phu, nghiêm túc, đề xuất được một hệ thống giải pháp khả thi, thuyết phục cả về lý thuyết và thực tiễn. Đây là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách dân tộc và cơ sở khoa học cho việc quản lý xã hội ở vùng DTTS. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng Đề tài cần làm rõ cách giải quyết vấn đề cụ thể, tách bạch những nguyên nhân, yếu kém, dự báo, giải pháp trọng tâm. Đồng thời, làm rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc cấp Trung ương trong việc giải quyết các xung đột ở vùng DTTS.
Chúc mừng thành công của Đề tài, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu bày tỏ kỳ vọng Đề tài sớm được đưa vào giảng dạy và đi vào thực tiễn.