Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong những năm vừa qua, UBDT đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, hoàn thiện Thuyết minh, hồ sơ Chương trình khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia giai đoạn II: “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”. Mục tiêu chương trình nhằm nghiên cứu, cung cấp các luận cứ, giải pháp khoa học; ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN trên nền tảng văn hóa, tri thức truyền thống phục vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trong quá trình xây dựng, UBDT đã thuyết minh, giải trình cụ thể theo yêu cầu của Bộ KH&CN, đồng thời đáp ứng tiêu chí về Nhiệm vụ KH&CN đặc biệt cấp quốc gia, đề nghị phê duyệt và thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên đến nay đã hết năm 2023 nhưng chưa được phê duyệt, UBDT đề nghị Bộ KH&CN xem xét, điều chỉnh thời gian thực hiện chương trình từ giai đoạn 2021 - 2025 sang giai đoạn 2024 - 2030 để khi được duyệt sẽ phù hợp với thời gian thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược công tác dân tộc và các chính sách dân tộc.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh và Thứ trưởng Trần Hồng Thái đã cùng trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến việc: Xác định những khó khăn, đặc thù; xác định cơ quan chủ trì; thảo luận về các tiêu chí; việc sử dụng kinh phí, ngân sách; công tác phối hợp giữa hai cơ quan; cùng khẳng định vai trò quan trọng của Chương trình đối với vùng đồng bào DTTS; thống nhất cùng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian thực hiện sang giai đoạn 2024 - 2030.
Về việc thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, UBDT sẽ phân công một đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT tham gia Ban Chủ nhiệm; đề nghị sau khi thành lập, Ban Chủ nhiệm cần tiến hành rà lại nội dung Khung chương trình để loại bỏ những điểm không còn phù hợp và bổ sung những điểm mới. Mong muốn Chương trình cần sớm được phê duyệt và triển khai ngay, trong đó các nội dung trong Khung Chương trình phải phù hợp và có tính dự báo trong tương lai, các đề tài nghiên cứu cần có tính ứng dụng cao.
Cũng tại cuộc họp, hai bên cùng thống nhất trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ để bổ sung, hoàn thiện Khung chương trình; đẩy nhanh tiến độ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2023, kịp thời triển khai ngay từ đầu năm 2024.