Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ưu tiên phân bổ ngân sách cho địa phương vùng DTTS thực hiện công tác phòng, chống mua bán người

Hoàng Quý - 15:44, 24/06/2024

Sáng 24/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Tại phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người như Tờ trình của Chính phủ; đồng thời nhận thấy dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, sửa đổi 52 Điều, bổ sung mới 9 điều, bỏ 1 điều với nhiều điểm mới tích cực. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp rất cụ thể, sâu sắc và đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

Để công tác phòng, chống mua bán người được thực hiện hiệu quả, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) đề nghị cần rà soát lại các quy định về các chính sách của dự án Luật này cho phù hợp với thực tế và phù hợp với các quy định pháp luật khác. Ví dụ như tại khoản 4, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận)
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận)

Tuy nhiên, ở khu vực biên giới, tình hình mua bán người cũng xảy ra nghiêm trọng, diễn biến rất phức tạp nên cần nghiên cứu bổ sung khu vực này vào khu vực được ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước hằng năm.

Mặt khác, tại điểm d, khoản 1, Điều 60 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND các cấp: “Trình HĐND cùng cấp bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người cho các cơ quan, đơn vị ở địa phương theo quy định của Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Ban soạn thảo dự án Luật cần nên nghiên cứu lại điều khoản này, bởi vì nếu giao cho các địa phương tự bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người sẽ rất khó cho các địa phương nhất là các các địa phương nguồn thu ngân sách thấp sẽ khó khăn trong việc bố trí, phân bổ kinh phí từ ngân sách địa phương cho công tác này.

Về chính sách về trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân, khoản 2 Điều 43 quy định “Nạn nhân khi về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội với các chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định của pháp luật”. Với chính sách này, cần rà soát xem có đảm bảo tính thống nhất về đối tượng cho vay của Ngân hàng chính sách hiện nay hay không, tránh trường hợp Luật này quy định nhưng không phù hợp với đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk)
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk)

Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho biết, tại khoản 10, Điều 3 quy định: Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Đại biểu cho rằng việc xác định dấu hiệu, hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử và chế tài xử phạt trong thực tế là khó khăn. Do đó đại biểu đề nghị nghiên cứu thay đổi hành vi trên thành hành vi khác có tính chất tương đồng với tội làm nhục người khác.

Về Chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người (Điều 5), tại khoản 4 điều này quy định: Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm vùng biên giới để được ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.

Về Đối tượng và chế độ hỗ trợ (Điều 37), tại khoản 3 quy định: Người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân được hưởng chế độ hỗ trợ… đại biểu đề nghị bổ sung chế độ hỗ trợ học văn hóa đối với người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cũng góp ý về Cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ; Cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu)
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu)

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho biết, tại Khoản 4, Điều 5 về chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người, dự thảo Luật quy định: “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Đại biểu bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật và cho rằng, chính sách ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng chống mua bán người vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chính sách mới, phù hợp thực tế, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống mua bán người tại những địa bàn này.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng vấn nạn mua bán người không chỉ xảy ra ở các vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà trong thực tế hiện nay vấn nạn này diễn biến rất phức tạp và trên phạm vi cả nước.

Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quy định thêm ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, nhằm tạo động lực và điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống mua bán người.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.