Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Ưu tiên đối tượng chính sách vay vốn

PV - 13:59, 06/04/2018

Trong những năm qua, một trong những đột phá của công tác tín dụng chính sách tại huyện Sa Pa là sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ vốn vay tín dụng chính sách cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện theo tinh thần Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Cùng với nguồn vốn chính sách của Trung ương, nguồn vốn ngân sách tại địa phương đã góp phần mở ra cơ hội cho các hộ khó khăn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.

Giải ngân nguồn vốn bổ sung tại xã Thanh Phú (Sa Pa). Giải ngân nguồn vốn bổ sung tại xã Thanh Phú (Sa Pa).

 

Cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH huyện Sa Pa đã quyết liệt triển khai trương trình hành động thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được huy động từ Trung ương đến địa phương đã phát huy sức mạnh, đem lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống trung bình 7,5%/năm. Cụ thể, đến hết năm 2017, nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất 25.885 triệu đồng, đạt 248% kế hoạch, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 5.200 triệu đồng, nguồn vốn từ ngân sách huyện 940 triệu đồng, đạt 125% kế hoạch giao.

Theo chân cán bộ tín dụng tại buổi giải ngân nguồn vốn bổ sung tại xã Thanh Phú, chúng tôi có dịp trò chuyện với các hộ gia đình đến vay vốn. Gia đình chị Lò Thị Niêm, thôn Mường Bô 1, thuộc diện hộ nghèo được vay 62 triệu đồng trong vòng 60 tháng và được gia hạn thêm 12 tháng. Chị Niêm cho biết: Gia đình sẽ dùng 12 triệu để xây bể nước, xây nhà vệ sinh, còn 50 triệu đồng mua 1 cặp trâu sinh sản để chăn nuôi. Chị cũng đề ra mục tiêu để hoàn lại số tiền đã vay đúng kỳ hạn đó là bán nghé sau khi trâu sinh sản, chia ra trả theo từng đợt…

Bên cạnh đó, có nhiều hộ trước đây đã từng được vay vốn ở các chương trình khác nhưng do thiên tai, dịch bệnh trâu, bò chăn nuôi bị chết nay có nguồn vốn bổ sung cũng mạnh dạn vay tiếp để đầu tư các mô hình kinh tế có tiềm năng với mong muốn cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH huyện Sa Pa chia sẻ, sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với tín dụng vùng khó, cùng với NHCSXH huyện tập trung các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án tín dụng chính sách; bổ sung kịp thời nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững.

Trong năm 2018, huyện Sa Pa dự kiến sẽ dành 10 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách và tập trung triển khai thực hiện 2 dự án: Phát triển nông nghiệp (ưu tiên ứng dụng công nghệ cao) như trồng cây ăn quả có múi, các loại cây mang lại lợi ích kinh tế cao. Đồng thời cũng tập trung nguồn vốn để nâng cao phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc và khai thác hiệu quả thế mạnh tài nguyên thiên nhiên Sa Pa (có loại hình du lịch homestay)…

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương thông qua việc bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương cho đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi đã giúp cho nhiều hộ có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo trở thành hộ có kinh tế khá.

LAN ANH