Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Uống nước nhớ nguồn..."

Kim Anh - 22:46, 09/04/2022

Trong những ngày hướng về Lễ giỗ Tổ Hùng Vương, mỗi người dân đất Việt lại cảm nhận rõ hơn sự thiêng liêng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết mà ông cha ta đã để lại. Đặc biệt, năm nay là kỷ niệm tròn 10 năm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Hằng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ, hàng triệu người con trên khắp mọi miền Tổ quốc lại về Đền Hùng thành kính dâng hương lên Đức Quốc Tổ
Hằng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ, hàng triệu người con trên khắp mọi miền Tổ quốc lại về Đền Hùng thành kính dâng hương lên Đức Quốc Tổ

Nhớ về cội nguồn

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba” - Mỗi độ tháng Ba âm lịch về, trong lòng mỗi người dân Việt Nam lại hướng về Lễ hội Đền Hùng để cảm nhận sâu sắc tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, giá trị đoàn kết, cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ đến công ơn của Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước.

Dịp này, nhiều người từ khắp mọi nơi gác lại những công việc, sắp xếp thời gian về Việt Trì, Phú Thọ dự Lễ hội Đền Hùng. Lên kế hoạch sẵn chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ mùng 10/3 sắp tới, anh Trần Văn Vương (30 tuổi, Thanh Hóa) vô cùng vui mừng và háo hức khi nghe tin Lễ giỗ Tổ Hùng Vương năm nay sẽ được tổ chức. “Sau 2 năm không tổ chức hội vì dịch bệnh, năm nay, tôi dự định cùng gia đình về đất Tổ thắp nén nhang thơm tri ân công đức tổ tiên, cầu mong cho đất nước mãi phồn vinh, thịnh vượng…”, anh Vương nói.

Cùng chung tâm trạng vui mừng như anh Vương, bà Nguyễn Thị Dung (50 tuổi, Nam Định) cho biết, từ nhiều năm nay, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương bà lại cùng chồng thu xếp công việc để đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. “Năm nào cũng vậy, gia đình tôi đều thu xếp thời gian về thăm đất Tổ, bày tỏ lòng thành kính, tri ân các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước’’, bà Dung chia sẻ.

Đây không chỉ là tâm trạng vui mừng riêng của anh Vương, bà Dung, mà còn là tâm trạng của rất nhiều người con nước Việt khi được tham gia trực tiếp Lễ hội. Đó là một trong những ngày Quốc lễ, thể hiện rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - một nét đẹp của văn hóa Việt Nam.

Năm nay, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh. Đặc biệt, ngày 10/3 âm lịch sẽ diễn ra Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và vinh danh con cháu Vua Hùng bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến ở gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Và có lẽ dù ngày Quốc giỗ được tổ chức với quy mô, hình thức như thế nào, thì vẫn luôn là những giá trị văn hóa được vun đắp qua nhiều thế hệ.

Kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức, có chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương” gắn với Kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Người dân tham gia gói bánh chưng tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Người dân tham gia gói bánh chưng tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Nguyễn Ánh Hồng (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho hay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên cấp quốc gia. Ngày 6/1/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Do vậy, hằng năm cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương lại có hàng triệu đồng bào hành hương, hướng về nguồn cội tại Đền Hùng (Phú Thọ). Đó là một trong những cách thức để thực hiện chủ nghĩa yêu nước, thực hành đạo lý uống nước nhớ nguồn và cao hơn là nêu cao khối Đại đoàn kết dân tộc.

“Thực tế đã chứng minh, ở những thời điểm đất nước đối mặt với khó khăn chính là khi tinh thần đoàn kết được nêu cao. Điều này có thể thấy ở bất cứ cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền nào của người Việt, kéo dài suốt chiều dài lịch sử. Và nó đặc biệt phát huy tác dụng trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình Covid-19 suốt hơn 2 năm qua”, TS. Nguyễn Ánh Hồng nói.

Cùng trao đổi, TS. Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho hay, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Lễ hội Hùng Vương trong những năm qua. Cộng đồng đã tiến hành phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền, phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số làng xã.

“54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có một nét văn hóa, bản sắc riêng. Dù là người Kinh, Dao, Mông, Thái hay Ê Đê, Ba Na… dù là dân tộc nào đều có chung một Quốc Tổ. Tất cả đều đồng lòng chung sức, đoàn kết hướng về cội nguồn. Việc UNESCO ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt”, TS. Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.