Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Uông Bí (Quảng Ninh): Ngăn chặn tình trạng sạt lở ở tuyến đường gần 80 tỷ đồng

Mỹ Dung - 19:15, 25/07/2024

Tuyến đường Khe Giang, xã Thượng Yên Công là một trong những tuyến giao thông huyết mạch từ trung tâm TP. Uông Bí (Quảng Ninh) vào Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Yên Tử, được đầu tư xây dựng gần 80 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay nhiều đoạn đường bị sạt lở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về tài sản, tính mạng Nhân dân, cần kịp thời triển khai các biện pháp ngăn chặn.

Tuyến đường Khe Giang, xã Thượng Yên Công xảy ra tình trạng bị sạt trượt sau mỗi trận mưa lớn
Tuyến đường Khe Giang, xã Thượng Yên Công xảy ra tình trạng bị sạt trượt sau mỗi trận mưa lớn

Nhiều khó khăn mỗi đợt mưa lớn về

Xã Thượng Yên Công có khoảng 1.400 hộ dân, với gần 60% là người DTTS, chủ yếu là dân tộc Dao sinh sống. Trên địa bàn xã có Di tích danh thắng Yên Tử là di tích đặc biệt cấp Quốc gia và rừng Quốc gia Yên Tử, là Trung tâm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh của tỉnh Quảng Ninh và TP. Uông Bí. Hằng năm, nơi đây có hàng triệu lượt người dân, du khách đến lễ phật, tham quan, du lịch.

Với chiều dài gần 10 cây số, tuyến đường Khe Giang, xã Thượng Yên Công từ nhiều năm nay ngoài việc đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân địa phương, kết nối các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn TP. Uông Bí,  tuyến đường còn tạo thuận lợi cho các phương tiện vận tải rác vào nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại Khe Giang.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khí hậu với những diễn biến bất thường, trên địa bàn thường xuyên xảy ra mưa lớn, khiến cho đoạn đường dài hàng trăm mét, với bờ taluy cao hàng chục mét trên tuyến đường, thường xuyên xảy ra tình trạng sạt, lở, đất đá đổ xuống đường từng mảng to, cục nhỏ gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực.

Trong lần đi tìm hiểu thực tế, gặp bà Trương Thị Năm, dân tộc Dao, người dân thôn Tập Đoàn, xã Thượng Yên Công chia sẻ, mỗi khi mưa lớn, bà con trong thôn không ai dám đi qua đường này để ra trung tâm TP. Uông Bí mà phải đi vòng sang phường Phương Đông hoặc hướng phường Bắc Sơn, xa hơn 5-6km.

"Có lần mưa to, tôi đi xe đạp đến lưng chừng dốc thì thấy sạt lở, nhưng nếu quay lại đi đường khác thì rất xa. Vì vậy, tôi liều đạp xe đạp băng qua. Vừa sang đến bên kia thì một khối đất, đá từ trên vùi kín xuống. Từ đận ấy, mỗi khi có mưa lớn là tôi không dám liều nữa", bà Năm kể.

Và sự nỗ lực của chính quyền

Được biết, dự án đường nối trung tâm TP. Uông Bí với xã Thượng Yên Công dài gần 10km, có tổng mức đầu tư 79,6 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh và địa phương. Dự án do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP. Uông Bí làm chủ đầu tư, được triển khai từ tháng 12/2018 và hoàn thành tháng 5/2020.

Ông Vũ Đức Yêm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Uông Bí cũng nhìn nhận, tuyến đường Khe Giang vị trí sạt trượt mỗi trận mưa lớn ngăn cách cả một khu vực của xã Thượng Yên Công. Trước thực tế này, các cấp chính quyền địa phương đã và đang đưa ra nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng, đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt trong mùa mưa bão. 

Theo ông Hoàng Việt Thành, Bí thư xã Thượng Yên Công, thời gian qua, trước các trận mưa lớn, xã thường cử người túc trực, canh gác hạn chế người và phương tiện qua lại. Đặc biệt, sau mỗi trận mưa lớn, xã đã huy động xã hội hóa để xúc, dọn, đảm bảo giao thông thông thoáng, phục vụ việc đi lại thuận lợi cho người dân cũng như các phương tiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về nội dung này, ông Phạm Tuấn Đạt, Chủ tịch UBND TP. Uông Bí cho biết, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Thành phố đã bố trí kinh phí để triển khai công trình xử lý điểm sạt trượt tuyến đường vận chuyển rác vào nhà máy xử lý chất thải rắn Khe Giang, với tổng mức đầu tư là 9 tỷ đồng. Năm 2024, Thành phố bố trí kế hoạch vốn là 7 tỷ đồng. Khi các phương án được thông qua, địa phương sẽ tiến hành xử lý, khắc phục điểm sạt lở này, đảm bảo an toàn cho người dân đi lại, đặc biệt là vào mùa mưa bão.

Trên thực tế, TP. Uông Bí đã lựa chọn xong nhà thầu để triển khai thi công, tuy nhiên lại  vướng mắc về thủ tục giao đất và nhà thầu trúng thầu phải thực hiện thủ tục khai thác khoáng sản mới được triển khai đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Ông Vũ Đức Yêm, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố cho biết: Để tháo gỡ khó khăn về thủ tục giao đất, Ban cũng đã phối hợp với các đơn vị gửi hồ sơ các sở, ngành để xem xét báo cáo tỉnh, đề nghị tỉnh giao đất ở vị trí sạt trượt mới; với chỗ sạt cũ thì dự kiến xã Thượng Yên Công sẽ giao cho Ban để thực hiện việc xúc dọn đất sạt trượt xuống. Đây cũng là một trong những giải pháp tháo gỡ để sớm thực hiện dự án này.

Được biết, mới đây, tại kỳ họp giữa năm 2024, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác trên địa bàn, trong đó có 0,658ha đất rừng để xử lý điểm sạt lở trên tuyến đường Khe Giang.

 Hy vọng nút thắt được tháo gỡ, công trình xử lý điểm sạt trượt được triển khai sẽ ngăn chặn được tình trạng sạt lở, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy ở tuyến đường gần 80 tỷ đồng này.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.