Đa số người dân huyện Bác Ái là người dân tộc thiểu số (DTTS) nên tập quán và phương thức sản xuất còn lạc hậu. Chính vì thế, các cấp, ngành của tỉnh Ninh Thuận đã ưu tiên triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật và làm quen với phương thức sản xuất mới.
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp huyện Bác Ái, mỗi năm, bà con sản xuất hơn 400ha bắp; 950ha mì (sắn); 450ha mía và hàng trăm ha cây trồng khác… Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng trồng bắp lai NK67 tập trung ở các xã Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Đại, Phước Chính; vùng trồng bưởi da xanh, chuối ở Phước Bình, trồng thanh long ở Phước Trung theo quy mô hàng hóa.
Thông qua triển khai các mô hình, đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu, đầu tư mở rộng sản xuất nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo. Ông Ktơ Chách, dân tộc Raglai, thôn Ma Hoa, xã Phước Đại chia sẻ: Trước đây, bà con mình sản xuất lạc hậu lắm, tới mùa là gieo hạt còn được mất là chuyện của ông trời, không tưới nước, bón phân gì cả. Từ khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, bà con mình đã thay đổi nhận thức, trồng cây tăng năng suất nhiều, có thu nhập ổn định, ai cũng vui.
Trong định hướng phát triển lĩnh vực nông nghiệp, huyện Bác Ái coi trọng vai trò của khoa học kỹ thuật, lấy đó làm đòn bẫy tạo đột phá để phát triển nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, thực hiện tốt chính sách ưu đãi của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Qua đó, đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điển hình là Dự án Nghiên cứu triển khai và đầu tư áp dụng công nghệ xanh phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch ít phát thải khí nhà kính đang triển khai tại xã Phước Tiến. Dự án là tổ hợp nghiên cứu toàn diện; trong đó, chú trọng lai tạo giống cây trồng, lĩnh vực có lợi thế so sánh của tỉnh, khi đi vào hoạt động hứa hẹn góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, huyện còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang liên kết với nông dân triển khai cánh đồng lớn sản xuất mía ở xã Phước Tiến và Phước Thắng. Nếu như trước đây, việc canh tác cây mía chủ yếu bằng sức lao động, thì hiện nay các công đoạn cày đất, đánh hàng, xuống giống, bón phân, làm cỏ được cơ giới hóa bằng máy móc hiện đại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Mục tiêu của huyện là triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đời sống cho người dân. Xây dựng vùng trồng bắp lai tập trung quy mô 3.000ha thành cánh đồng mẫu ứng dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt tại những vùng lợi thế, theo quy hoạch, ở các xã: Phước Bình, Phước Tiến, Phước Đại, Phước Chính, Phước Trung. Đối với phát triển cây mì, tiếp tục chuyển giao giống mới KM228, KM140, F11 cho nông dân canh tác ở những khu vực gò đồi nhằm khai thác tồi đa tiềm năng lợi thế về đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung.
Tuy nhiên, theo ông Mẫu Thái Phương, Chủ tịch huyện việc sản xuất nông nghiệp ở Bác Ái vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân, là do nông dân chưa khai thác hết phần diện tích chủ động nước từ các công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, Trà Co. Hàng ngàn ha đất sản xuất cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến bị bỏ hoang do người dân thiếu vốn đầu tư; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. “Thời gian tới, huyện sẽ tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện cho người dân vay vốn, phát triển sản xuất”.
LÊ PHƯƠNG