Bắt đầu học chữ Thái từ 7 năm trước qua mạng xã hội, Lò Văn Tuyên nhận thấy việc tìm kiếm các tư liệu về chữ Thái, văn hóa Thái không hề dễ dàng. “Rất khó khăn để có thể tìm kiếm. Nếu ai có ý định tìm hiểu về văn hóa dân tộc như mình cũng gian lao vậy sao? Hiện nay, công nghệ phát triển đến mức cái gì không biết thì tra Google. Thế nhưng, những thông tin về dân tộc mình khi tra cứu vẫn chẳng thấy đâu cả”. Tuyên bộc bạch khi nói về lý do tại sao em quyết tâm nghiên cứu, sáng tạo ra những ứng dụng mới để hỗ trợ cho việc tìm kiếm về bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
Nỗi băn khoăn đó đã trở thành động lực để Tuyên bắt tay vào việc lập ra Website có tên miền lichsuvanhoaThai.com, với mục đích đăng tải những bài viết về lịch sử, văn hóa, xã hội, ca dao tục ngữ từ nhiều sách của các tác giả uy tín.
“Phần lớn nguồn thông tin được trích ra là từ các cuốn sách cũ, hiếm. Rất ít người tiếp cận được. Còn sách mới của các tác giả là chuyên gia về dân tộc học hay nghệ nhân thì rất ít. Mà nếu có thì chỉ xuất bản trong nội bộ, không bán ra bên ngoài nên những tư liệu đó không đến được với cộng đồng. Vì thế, qua trang Web, mọi người sẽ dễ dàng tiếp cận được với nguồn tư liệu về văn hóa Thái”, Tuyên chia sẻ.
Hiện nay, trang Web của Tuyên có hàng nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Không chỉ giúp cộng đồng dân tộc Thái của mình có kênh thông tin hữu ích, Lò Văn Tuyên còn lập ra ứng dụng bàn phím chữ Thái để mọi người dùng có thể gõ trực tiếp chữ Thái trên điện thoại và máy tính. Theo Tuyên, trước đây, cũng đã có bàn phím chữ Thái, nhưng chỉ là gõ chữ Việt ra chữ Thái. Còn với ứng dụng của Tuyên là gõ trực tiếp ra chữ Thái.
Từng theo học chuyên ngành Công nghệ thông tin ở Trường Cao đẳng nghề Quân khu 2, nên Lò Văn Tuyên rất nhạy bén và sáng tạo để ứng dụng công nghệ thông tin vào việc học chữ Thái. Cùng với bàn phím chữ Thái, Tuyên còn lập ra một ứng dụng học chữ dân tộc Thái trên điện thoại cho người mới bắt đầu học.
Ứng dụng có tên là Tailingo, được nhiều người đánh giá là dễ hiểu, dễ học. Nhiều giáo viên dạy chữ Thái đã giới thiệu cho học viên cài đặt ứng dụng để có thể tự học ở nhà. Với Tuyên, tâm huyết làm ra những ứng dụng hữu ích đó là giúp mọi người học chữ Thái, viết chữ Thái dễ dàng hơn.
Lò Văn Tuyên mang trong mình một tham vọng có thể phổ cập được chữ Thái tới tất cả người dân tộc Thái. Tuyên kể, có những người bạn của mình rất giỏi tiếng Anh, có nhiều cơ hội được đi đây đi đó. Nhưng lại không biết tiếng dân tộc Thái, nên khi gặp người dân tộc mình ở nước ngoài họ đã cảm thấy rất tiếc nuối khi đã đánh mất đi cơ hội nói tiếng dân tộc mình tại xứ người. Hay có người dù đã nhiều tuổi mà vẫn thấy buồn và hổ thẹn khi không biết được chữ nào của cha ông mình.
Ngoài ra, Lò Văn Tuyên còn lập ra một bảng chữ Thái treo tường. Bảng chữ cái có đầy đủ các ký tự chữ Thái (chữ Thái Việt Nam); các từ ngữ (có phiên âm) và hình ảnh mô tả trực quan, sinh động giúp người học nhớ lâu hơn, thích hợp với nhiều đối tượng (kể cả trẻ em).
Lò Văn Tuyên cho hay, tất cả những gì đã làm được là để hiện thực hóa tham vọng lớn của mình. Trong thời gian tới, Tuyên dự định sẽ cùng một số người đồng hành soạn từ điển tiếng Thái (Thái Tây Bắc) bao gồm, cả sách và từ điển Online; biên soạn sách tự học chữ Thái. “Học chữ Thái không cần đầu tư quá nhiều chất xám. Nếu là người Thái thì việc học rất đơn giản. Quan trọng là họ có yêu tiếng dân tộc mình hay không mà thôi”, Lò Văn Tuyên chia sẻ.