Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ nhân Lò Văn Thắng vì sự trường tồn của chữ Thái

PV - 10:11, 16/04/2019

Gần chục năm nay, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nghệ nhân Lò Văn Thắng, bản Nà Bó 1, xã Mường Sang, Mộc Châu (Sơn La) vẫn miệt mài dạy chữ Thái miễn phí cho bà con trong vùng với mong muốn chữ viết truyền thống mãi được lưu truyền.

“Tôi sợ chữ viết của người Thái bị lãng quên”

Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bản đồng bào Thái như Nà Bó 1, Là Ngà… nghèo khó năm xưa đã thay da đổi thịt. Thế nhưng, đi cùng sự thay đổi tích cực ấy, một sự thật không thể phủ nhận, đó là nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào đang có nguy cơ mai một dần. Nghệ nhân Lò Văn Thắng bảo, công nghệ gõ cửa, nhà ai cũng có ti vi, điện thoại. Lớp trẻ lo học tiếng Anh, thích nghe nhạc nước ngoài, dùng mạng xã hội,… nhưng lại quên đi tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Lớp học tiếng Thái miễn phí của nghệ nhân Lò Văn Thắng. Lớp học tiếng Thái miễn phí của nghệ nhân Lò Văn Thắng.

“Không được mù chữ, phải giữ cái gốc của dân tộc mình”- Đây chính là lý do những lớp học dạy chữ Thái miễn phí của “thầy giáo” Thắng được mở ra. Lớp học đơn sơ với 12 người già trong khoảng sân trước nhà bác Bí thư bản Nà Bó 1, năm 2010 là khóa học đầu tiên do thầy Thắng đứng lớp, đánh dấu chặng đường bảo vệ chữ viết của người Thái của ông. Qua tìm hiểu, ông nhận ra tiếng Thái ngày càng ít được sử dụng. Lớp trung niên, người cao tuổi chỉ biết nói không biết viết, vì vậy ông Thắng đã mày mò, nghiên cứu, tìm đến những người am hiểu về ngôn ngữ Thái nhờ hỗ trợ để biên soạn giáo trình tiếng Thái chuẩn dùng dạy học.

Cứ thế sau 9 năm, từ lớp học đơn sơ ban đầu nhờ trong sân nhà Bí thư bản, nay lớp học đã được chuyển đến Nhà văn hóa cộng đồng để tiện bà con theo học. Trang thiết bị, đồ dùng học tập được bà con đóng góp kinh phí để mua nên lớp học giờ đã đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất. Bà Lường Thị Thay, một trong số 12 học sinh đầu tiên của lớp học thật thà chia sẻ, biết nói mà không biết viết chữ dân tộc Thái thì chẳng khác nào mù chữ. “Thầy Thắng đã bỏ công sức, thời gian không tính toán, sẵn lòng dạy miễn phí chữ Thái cho bà con. Là người Thái mình cũng phải có trách nhiệm học và bảo tồn được chữ viết, tiếng nói dân tộc mình chứ”.

Điều phấn khởi, những người lớn, sau khi hiểu được giá trị của chữ viết đã vận động con em mình đi học. Từ lớp học ban đầu chỉ có người già, trung niên, đến nay trong những lớp học chữ Thái của thầy Thắng, đã có nhiều em học sinh nhỏ tuổi tham gia. Để khuyến khích các em theo học, thầy Thắng còn tích cóp toàn bộ tiền tài trợ mua sách cho các em học sinh.

Ước mơ của nghệ nhân

Nghệ nhân Lò Văn Thắng bảo, “đây không chỉ đơn giản là chuyện con chữ”. Từ xưa đến nay, tiếng nói chỉ có hiệu quả trong một phạm vi nhất định. Ví như thói quen truyền miệng đã khiến cho nhiều truyền thuyết, truyện cổ hay ca dao dân tộc bị tam sao thất bản. Từ đó, những giá trị văn hóa, lịch sử của người Thái sẽ không được lưu truyền nguyên vẹn, có nguy cơ bị mai một dần. Cách duy nhất bảo tồn là mọi người phải đọc thông viết thạo, vì như vậy, những nét văn hóa, kiến thức, kinh nghiệm sẽ được ngôn ngữ văn tự lưu giữ lại chính xác, lâu dài.

Từ lớp học ở bản Nà Bó 1 của thầy Thắng, phong trào học chữ Thái đã lan tỏa ra các bản lân cận như Nà Bó 2, Là Ngà, bản Vặt... thu hút hàng trăm lượt người theo học để biết đọc và viết chữ Thái thành thạo. Qua những lớp học, các hoạt động giao lưu văn hóa, sinh hoạt cộng đồng giữa các thôn bản ngày càng gắn bó hơn. Cứ thế, ngọn lửa tự hào về văn hóa người Thái đã được nhóm lên trong lòng mọi người.

Bà Lường Thị Thay, sau khi thành thạo viết chữ đã tình nguyện tham gia truyền dạy lại chữ Thái cho lớp trẻ. Học sinh đến học cũng đủ lứa tuổi từ già đến trẻ. Mỗi tuần 1 buổi vào tối thứ Bảy, dịp hè thì tăng lên 2 buổi.

Được biết, chính quyền xã, huyện Mộc Châu đánh giá rất cao hiệu quả của những lớp học miễn phí của thầy Thắng. Huyện cũng đã có chủ trương hỗ trợ các mô hình lớp học, khuyến khích nghệ nhân Lò Văn Thắng tiếp tục nhân rộng mô hình này tới các địa bàn khác trên toàn huyện.

Ông chia sẻ, đó là việc mình cần làm bởi có lẽ ông đã mắc nợ với thứ tiếng của dân tộc mình, chừng nào còn sống, ông sẽ dốc hết sức để bảo vệ con chữ ấy cho đồng bào. Điều mà Nghệ nhân Lò Văn Thắng đang ước mơ tiếng Thái được đưa vào môi trường giáo dục như một môn học để tăng tính ứng dụng của ngôn ngữ.

Tháng 3/2019, tin vui không chỉ đến với ông Lò Văn Thắng mà còn với bà con ở nhiều bản làng ở Mộc Châu, khi ông chính thức được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” vì đã có đóng góp cho tiếng nói, chữ viết, tập quán xã hội và tín ngưỡng của dân tộc Thái.

HỒNG PHÚC

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.