Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp: Hướng đi bền vững

PV - 10:46, 22/04/2019

Trong chuyến công tác tới xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái), chúng tôi không khỏi bất ngờ với những thay đổi nơi đây. Từ một vùng quê nghèo khó, giờ đây Liễu Đô đã từng bước chuyển mình, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Sự đổi thay này có sự đóng góp quan trọng của quá trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Nông dân Yên Bái đang ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng KH&CN vào phát triển nông nghiệp. Nông dân Yên Bái đang ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng KH&CN vào phát triển nông nghiệp.

Đến thăm mô hình trồng giống dưa lưới PangipoRz (giống Hà Lan) của ông Nguyễn Trọng Sơn, thôn Đồng Tâm, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên (Yên Bái), chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến, tìm hiểu nhiều điều về mô hình nông nghiệp công nghệ cao này. Được biết, ông Sơn là người đầu tiên nơi đây mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để áp dụng mô hình này.

Năm 2017, ông Sơn được Sở KH&CN Yên Bái hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để xây dựng mô hình sản xuất dưa lưới theo hướng công nghệ cao. Mô hình được xây dựng với quy mô nhỏ chỉ trên diện tích 1 sào (360m2) với sự hỗ trợ từ giống, phân bón, đến nilon che phủ và kỹ thuật. Thời điểm đầu khi mới làm mô hình, ông Sơn vẫn còn hoài nghi, chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả kinh tế và nhất là vấn đề đầu ra của sản phẩm. Song được sự tư vấn, thuyết phục của cán bộ kỹ thuật, ông Sơn và gia đình đã dần dần đồng thuận để cùng triển khai thực hiện mô hình.

Mô hình bắt đầu triển khai từ giữa tháng 9/2018, với mật độ trồng 540 cây dưa lưới trên diện tích 1 sào. Các công đoạn như: vệ sinh vườn, xử lý đất, làm đất, lên luống, gieo hạt, trồng, bón phân, tưới nước cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây, thụ phấn cho hoa, treo quả… đều được cán bộ kỹ thuật của Sở “cầm tay chỉ việc” nên mọi thứ rất thuận lợi

“…Ngay vụ đầu tiên, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 700kg dưa lưới/1 sào. Với giá bán 45 nghìn đồng/1kg dưa lưới, tổng thu nhập đạt 31,5 triệu đồng/sào/vụ, trừ tiền phân bón và ngày công lao động, tôi lãi hơn 17 triệu đồng…”, ông Sơn chia sẻ.

Điều đó cho thấy, ứng dụng khoa học-kỹ thuật không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Từ đó, từng bước được cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, cho đến bảo quản và chế biến nông sản.

Theo ông Vũ Xuân Hợi, Giám đốc Sở KH&CN Yên Bái cho biết, nhiều mô hình áp dụng khoa học-kỹ thuật phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao cũng đã được người dân tỉnh Yên Bái chú trọng đầu tư phát triển. Điển hình như mô hình trồng rau thủy canh tại thôn Bảo Thịnh, xã Minh Bảo, TP. Yên Bái của nữ doanh nhân Phạm Thúy Hảo áp dụng công nghệ Israel, đã cho ra đời các sản phẩm rau cao cấp, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hay Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng chuỗi giá trị cho sản xuất rau an toàn tại huyện Văn Yên” do Trạm Khuyến nông huyện Văn Yên phối hợp với Hợp tác xã Thanh niên Q&C ở xã Đại Phác (Văn Yên, Yên Bái) đã đem lại những hiệu quả hết sức tích cực… Việc chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học-kỹ thuật tiến bộ được coi là chìa khóa vàng giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.

HOÀNG QUÝ