Hiện nay, phương thức chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 90%); việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi ít được quan tâm. Hơn nữa, nhiều địa phương thiếu quy hoạch chăn nuôi nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm, ngành Chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra khoảng 75 - 85 triệu tấn chất thải. Cả nước có trên 8,5 triệu hộ chăn nuôi quy mô gia đình và gần 20.000 trang trại chăn nuôi tập trung nhưng mới chỉ có 8,7% số hộ xây dựng công trình khí sinh học (hầm Biogas). Tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh cũng chỉ chiếm 10%.
Với đồng bào vùng DTTS thì hầu hết chất thải từ chăn nuôi được xả thải trực tiếp ra môi trường, hoặc gom lại tại chuồng để sử dụng trực tiếp làm phân bón cho cây trồng mà không áp dụng các biện pháp xử lý hợp vệ sinh cần thiết nào.
Dự án “Xây dựng mô hình thu gom, sử dụng đệm lót sinh học để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi cho đồng bào DTTS vùng khó khăn” sẽ góp phần giúp người nông dân tiếp cận với các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, giảm chi phí sản xuất trong nông nghiệp, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra.
Thảo luận về Dự thảo đề cương của Dự án, các đại biểu tham dự phiên họp đề nghị: Đánh giá kỹ hơn hiệu quả tác động của các dự án, mô hình liên quan đã triển khai; đánh giá tác động của tập quán chăn nuôi gia súc gia cầm của đồng bào DTTS; cần có tiêu chí điều tra khảo sát, xây dựng mô hình, chọn hộ gia đình và nội dung tập huấn rõ ràng và bổ sung thành viên có chuyên môn sâu về lĩnh vực triển khai của Dự án...