Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tuyển sinh vào các trường PTDT nội trú, bán trú đứng trước nhiều khó khăn: Linh hoạt để phù hợp với tình hình mới (Bài 2)

Thúy Hồng - 15:32, 24/03/2022

Trong năm học 2021 - 2022, dù ngành Giáo dục và các địa phương đã có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác tuyển sinh để duy trì, phát triển mô hình trường PTDT nội trú, bán trú. Tuy nhiên, về lâu dài ngành Giáo dục và các địa phương cần có cơ chế tuyển sinh linh hoạt, để tiếp tục phát triển các mô hình giáo dục chuyên biệt này.

Một tiết học của các em học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Ái Quốc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn
Một tiết học của các em học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Ái Quốc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn

Giải pháp hiệu quả nhìn từ Lạng Sơn

Theo số liệu của Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo - GD&ĐT), toàn quốc có 325 trường PTDT nội trú ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, với 105.818 học sinh; có 1.124 trường PTDT bán trú với 237.608 học sinh. Các trường PTDT nội trú từng bước khẳng định vị thế hàng đầu về chất lượng giáo dục ở vùng DTTS và miền núi. Các trường PTDT bán trú, khẳng định được vai trò to lớn trong việc huy động tối đa học sinh tiểu học và THCS trong độ tuổi tới trường, tăng tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT), hiện nay, cơ chế hoạt động của các trường PTDT nội trú vẫn thực hiện theo Thông tư 01 ban hành năm 2016 và Thông tư số 24 ban hành năm 2010 về quy chế tổ chức hoạt động của trường PTDT bán trú. Đối tượng tuyển sinh của hai loại hình đào tạo này đều ưu tiên học sinh ở vùng có điều kiện ĐBKK, nhà ở xa trường, hoặc do địa hình cách trở, giao thông khó khăn, học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày.

Cũng theo bà Nhàn, mặc dù theo Thông tư số 01 và 24, ưu tiên đối tượng tuyển sinh vào các trường PTDT nội trú và bán trú là học sinh ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK. Tuy nhiên, cũng theo Thông tư hướng dẫn, nếu thanh niên, thiếu niên là người DTTS không thuộc đối tượng ở vùng có điều kiện ĐBKK, được UBND cấp tỉnh quy định, là vùng tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc, thì cũng thuộc diện tuyển sinh vào trường PTDT nội trú. Do đó, UBND các tỉnh cũng như các địa phương có thể linh hoạt, mở rộng vùng tuyển sinh ở những địa phương vừa ra khỏi diện ĐBKK, để các trường bảo đảm đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Buổi học ngoại khóa của các em học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Ái Quốc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn
Buổi học ngoại khóa của các em học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Ái Quốc, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn

Đây cũng là cách làm mà tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện, để bảo đảm yêu cầu học tập cho học sinh. Cụ thể, ngày 20/12/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 148/KH-UBND về tiếp tục thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDT nội trú giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ năm học 2018 - 2019, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chuyển đổi các trường PTDT nội trú THCS ở các huyện thành trường liên cấp PTDT nội trú THCS và THPT.

Việc thay đổi mô hình đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo Nhân dân, tạo điều kiện để học sinh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa được học và chăm sóc trong môi trường giáo dục toàn diện.

Cô Dương Thị Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Nội trú THCS - THPT Lộc Bình cho biết: Việc mở rộng trường liên cấp, không chỉ giúp các em học sinh DTTS có điều kiện theo học tại môi trường PTDT nội trú, mà còn giúp nhà trường dễ dàng trong công tác tuyển sinh.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, số lượng học sinh theo học tại các trường PTDT nội trú tăng cả về số lượng và chất lượng. Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có hơn 3.500 học sinh được học tại các trường PTDT nội trú, với khoảng 400 học sinh được tuyển sinh vào lớp 10 (năm học trước là hơn 300 học sinh).

Các em học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An
Các em học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An

Cần điều chỉnh cơ chế tuyển sinh cho trường chuyên biệt

Thực tế, hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú là mô hình chuyên biệt để phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi, tạo tiền đề để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cho địa phương. Do vậy, nhiều năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho trường đều được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Chỉ tỉnh riêng từ năm 2018 - 2020, hệ thống các trường PTDT nội trú đã được đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng. Có 1.070 trường và điểm trường PTDT bán trú được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dạy, hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng cho 1.045 nhà ăn, nhà bếp, 1.045 khu nội trú học sinh…

Tuy nhiên, trải qua thời gian, cùng với sự phát triển cũng như biến động về kinh tế - xã hội của đất nước, mô hình trường PTDT nội trú và bán trú bắt đầu bộc lộ những khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt là khi Quyết định 861 ra đời, đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới mô hình trường PTDT nội trú và bán trú trong điều kiện tất yếu là địa bàn ĐBKK ngày càng giảm. Đồng thời, cũng cần có sự linh hoạt trong thực thi chính sách ở các địa bàn thoát nghèo để giảm thiểu sự “đứt gãy” trong hệ thống mô hình điểm của giáo dục miền núi.

Theo bà Trần Thị Yên, Trưởng ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), cần có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời, bảo đảm trường PTDT nội trú, bán trú được thành lập phải phát triển ổn định, bền vững và chất lượng. Thực hiện tốt công tác xét duyệt học sinh bán trú, bảo đảm các em có điều kiện ăn, ở, học tập và sinh hoạt an toàn.

Tuy nhiên, hiện nay vướng mắc nhất vẫn là đối với các trường PTDT bán trú. Theo ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn, thách thức đối với các trường trên địa bàn là, nếu 3 năm các trường liên tục không tuyển sinh đủ số lượng học sinh, thì sẽ bị chuyển thành trường công lập (theo quy chế). Khi các xã ra khỏi diện ĐBKK, chính sách hỗ trợ bán trú không còn, thì sẽ khó để thu hút học sinh.

Trước những vướng mắc này, các địa phương và ngành Giáo dục đã chủ động có giải pháp tháo gỡ. Hiện nay Vụ Giáo dục Dân tộc đang tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT, xây dựng thông tư hướng dẫn về công tác tuyển sinh cho các trường PTDT nội trú và bán trú ở các địa bàn vừa ra khỏi diện ĐBKK khi triển khai thực hiện Quyết định 861.

Đặc biệt, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, tại Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rất quyết liệt, giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí phân định vùng miền núi, vùng cao bảo đảm khách quan, khoa học, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp tháng 7 tới.

Nếu Bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao được xây dựng và ban hành, thì đây sẽ là cơ sở để phân định và áp dụng toàn bộ chính sách ở miền núi, vùng cao, trong đó có chính sách giáo dục dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các trường PTDT nội trú, bán trú.

Có thể thấy rằng, ở từng giai đoạn, từng thời điểm, các chính sách sẽ có sự thay đổi để phù hợp với sự phát triển của đời sống xã hội của đồng bào các DTTS. Tuy nhiên, để thích ứng trong tình hình mới, ngành Giáo dục, cũng như các địa phương cũng cần có sự linh hoạt trong việc thực thi chính sách; cũng như cần xây dựng cơ chế hoạt động của các trường này theo lộ trình mở, tạo điều kiện để phát triển môi trường giáo dục chuyên biệt, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.