Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tuyên Quang: Những người trẻ khởi nghiệp từ khai thác sản vật, đặc sản địa phương

Việt Hà - 10:30, 12/12/2022

Trước đây, hầu hết những người trẻ ở nông thôn, miền núi luôn có khát vọng được học hành lên cao để có cơ hội thoát ly khỏi bản làng, quê hương để lên thành phố lập nghiệp. Thế nhưng hiện nay, nhiều bạn trẻ lại nuôi hoài bão, khát vọng được lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình. Minh chứng tại tỉnh Tuyên Quang, nhiều bạn trẻ đã tận dụng lợi thế sản vật, đặc sản địa phương để khởi nghiệp thành công, tạo việc làm, sinh kế cho người dân tại địa phương, nâng cao thu nhập.

Chàng thanh niên người Tày Lâm Tiến Lộc khởi nghiệp từ nuôi lợn rừng địa phương
Chàng thanh niên người Tày Lâm Tiến Lộc khởi nghiệp từ nuôi lợn rừng địa phương

Khởi nghiệp từ nông sản, đặc sản quê hương

Tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên, chàng thanh niên người Tày- Lâm Tiến Lộc (SN 1996) đã chọn mô hình nuôi lợn rừng để khởi nghiệp. Nhận thấy giống lợn này, có nhiều ưu điểm so với giống lợn thịt mà người dân đang nuôi, Lâm Tiến Lộc đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để nhân rộng mô hình và phát triển kinh tế.

Theo Lâm Tiến Lộc chia sẻ, nuôi lợn rừng có rất nhiều ưu điểm, bởi đây là giống vật nuôi có sức đề kháng cao, có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, phù hợp với điều kiện ở địa phương. 

Bên cạnh đó, lợn rừng không kén thức ăn, nên khi nuôi có thể tận dụng được những nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như chuối, ngô, khoai, sắn… Mô hình này rất phù hợp với những hộ nghèo, cận nghèo vì chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro.

Trong quá trình nuôi lợn rừng, anh Lâm Tiến Lộc đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi như làm chuồng trại cao ráo, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sử dụng thức ăn, nước uống sạch. Nhờ đó, đàn lợn không bị nhiễm bệnh, sinh trưởng phát triển tốt. Đến nay, sau 2 năm triển khai, mô hình nuôi lợn rừng của Lâm Tiến Lộc đã phát triển, duy trì từ 50 - 80 con. “Với 5 con lợn mẹ mỗi năm sẽ sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 con, tôi lựa chọn những con giống tốt bán cho người dân địa phương và các vùng lân cận. Còn những con lợn chưa đủ tiêu chuẩn giống, tôi đầu tư vào nuôi và xuất bán lợn thịt”, Lâm Tiến Lộc cho biết.

Ngoài nuôi lợn rừng, anh Lộc cũng nuôi thêm 50 con gà, ao cá xen lẫn với các loại cây như chuối, rau,… để có nguồn thức ăn cho gà, cá và lợn. Hiện nay, mô hình nuôi lợn rừng đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Lộc. Bình quân mỗi năm thu về trên 300 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 150 triệu đồng.

Bên cạnh phát triển kinh tế của gia đình, anh Lộc còn tạo công ăn việc làm cho một số người dân trên địa bàn thông qua các công việc như thu mua nguyên liệu để làm thức ăn chăn nuôi. Qua đó, giúp người dân có thêm thu nhập để ổn định cuộc sống.

Mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Thắng, xóm 18, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang)  tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Mô hình khởi nghiệp của anh Nguyễn Văn Thắng, xóm 18, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Còn tại TP. Tuyên Quang, anh Nguyễn Văn Thắng, xóm 18, xã Kim Phú đã mạnh dạn khởi nghiệp, làm giàu từ con ốc nhồi. Với số vốn ban đầu gần 30 triệu đồng, anh Thắng đã vay vốn Ngân hàng chính sách để mở xưởng sản xuất ốc nhồi ống lam Chiến Thắng ngay trên mảnh đất rộng hơn 200 m2 của gia đình. 

Chỉ 7 tháng sau, từ những thị trường nhỏ lẻ, sản phẩm ốc nhồi ống lam Chiến Thắng đã có mặt tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh thành miền Trung. Từ lợi nhuận thu được, anh Nguyễn Văn Thắng tiếp tục mở rộng xưởng, tăng số lượng nhân công, sử dụng máy móc để tăng nguồn hàng tiêu thụ ra thị trường.

Đến nay, mỗi năm cơ sở sản xuất tiêu thụ trên 12 tấn ốc nhồi, doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 500 triệu - 1 tỷ/năm; giải quyết việc làm cho 8 - 10 đoàn viên thanh niên, lao động thường xuyên với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng và 40 - 50 đoàn viên thanh niên, lao động thời vụ.

Quảng bá, đưa nông sản, dược liệu xuống núi

Về thôn Đồng Dài, xã Thượng Ấm (huyện Sơn Dương), hỏi tên cô gái người Nùng Nông Thị Cẩm Quỳnh, người dân nơi đây đều tấm tắc: “Cô Quỳnh nổi tiếng trên mạng xã hội lắm. Nhờ có cô ấy quảng bá ẩm thực, nông sản cho địa phương mà cư dân mạng trên khắp mọi miền đất nước đều biết đến đặc sản của vùng đất Tuyên Quang đó”.

Chia sẻ về con đường khởi nghiệp của mình, Nông Thị Cẩm Quỳnh cho biết, em từng theo học song song 2 trường đại học là Trường Đại học Sư phạm I và Học viện Báo chí - Tuyên truyền. Khi đang là sinh viên, Quỳnh đã bắt đầu làm quen với việc quảng bá, đưa các sản phẩm nông sản sạch từ vùng núi Tuyên Quang đến tận tay người tiêu dùng là  người quen, bạn bè. Có thời điểm cận Tết, Quỳnh đã bán được hàng trăm đơn hàng cho khách quen. Những người đã mua hàng của Quỳnh dần dần đều trở thành khách hàng quen thuộc, vì chất lượng, uy tín của sản vật địa phương Quỳnh mang đến cho khách hàng.

Quỳnh bắt đầu làm những video ngắn kể những câu chuyện giản dị, nhẹ nhàng về núi rừng
Cô gái người Nùng Nông Thị Cẩm Quỳnh tự làm những video ngắn kể những câu chuyện giản dị, nhẹ nhàng về núi rừng Tuyên Quang (Ảnh LG)

Năm 2017, tốt nghiệp ra trường, Quỳnh làm việc cho một công ty truyền thông có tiếng ở Hà Nội, nhưng em vẫn làm song song hai việc: Vưa làm truyền thông cho công ty, vừa quảng bá, bán hàng nông sản, sản vật vùng cao cho người khách hàng trên cả nước. “Với tính cách không bao giờ thích ngồi yên một chỗ, em đã chọn trở về quê hương để khởi nghiệp và đồng hành cùng bà con người DTTS. Tuy nhiên hàng tháng, em vẫn thường xuyên xuống Hà Nội để đưa hàng nông sản về Thủ đô và làm nhiều việc khác liên quan đến nghề truyền thông”, Quỳnh cho biết.

Tận dụng các nền tảng từ mạng xã hội như Fabook, Tik Tok, Youtube, Quỳnh bắt đầu làm những video ngắn kể những câu chuyện giản dị, nhẹ nhàng về núi rừng Sơn Dương, Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình… Quỳnh cũng giới thiệu đến mọi người những hình ảnh chân thực nhất về ẩm thực, nông sản, dược liệu xứ Tuyên. 

Đó là những video giới thiệu các món xôi cọ, xôi rau ngót, nấm lim xanh, làm thạch từ quả ngõa, da trâu muối chua, món ăn từ me đất, món ăn lạ từ củ đao, con sâu tre… Bằng giọng nói nhẹ nhàng, chân thực trên nền nhạc du dương, êm đềm, những video, clip của Nông Thị Cẩm Quỳnh đã thu hút hàng triệu lượt người vào xem và đặt mua hàng nông sản, đặc sản vùng cao.

Từ đây, cô gái trẻ người Nùng bắt đầu định hình cho mình con đường khởi nghiệp từ những sản phẩm quê hương. Đều đặn hàng ngày, Quỳnh dậy từ sớm với đủ thứ việc từ set up máy móc, chuẩn bị nguyên liệu, sản phẩm quay, chuẩn bị nội dung cho các video. Mỗi video chỉ vài phút nhưng có khi tốn 1-3 ngày mới hoàn thành. Các mặt hàng nông sản như măng rừng, chè, thịt trâu, thịt lợn sấy, lạp sườn, sâm đất… đều được Quỳnh giới thiệu một cách sáng tạo và dí dỏm. Livetream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) thu hút đông đảo người xem, lượng tiếp cận trung bình từ trên 1 triệu, có lúc lên đến 4 triệu lượt xem.

Cô gái người Nùng Nông Thị Cẩm Quỳnh Livetream quảng bá nông sản, sản vật địa phương
Cô gái người Nùng Nông Thị Cẩm Quỳnh Livetream quảng bá nông sản, sản vật địa phương

Có thời điểm, chỉ vài ngày, Cẩm Quỳnh bán được 1.000 đơn hàng. Quỳnh cũng tiết lộ, lúc cao điểm bán được 2-3 tấn sâm đất/ngày, măng khô mỗi vụ bán được 1-2 tấn, sắn dây từ 5-10 tạ/vụ… Đặc biệt các mặt hàng trà xanh, thịt trâu, lợn gác bếp, hạt mắc khén, hạt dổi, mật ong rừng, mật ong nhãn... được Quỳnh giới thiệu, bán quanh năm cho khách hàng tiêu dùng cả nước.

Ban đầu, Quỳnh phải tự mày mò tìm nguồn hàng, thu mua, chọn lọc từ các thôn bản, nhưng bây giờ các đầu mối đã tìm đến tận nhà để giao hàng. Dù các mặt hàng bán chạy, nhưng cô gái trẻ luôn luôn giữ uy tín, đảm bảo nguồn hàng xuất xứ từ người nông dân, đạt chuẩn, sạch, chất lượng đến tận tay người tiêu dùng.

Hồi tháng 4/2022, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2022 tại Bảo tàng Hà Nội có cuộc giao lưu chủ đề "Khi người trẻ khởi nghiệp cùng nông nghiệp 4.0", Tiktoker dân tộc Nùng Tuyên Quang -Nông Cẩm Quỳnh đã được mời đến Chương trình, để chia sẻ kinh nghiệm áp dụng thành công khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, quảng bá đưa nông sản, dược liệu xuống núi. 

Quỳnh nói: “Hiện nay, em chủ động liên kết với các hợp tác xã, tham gia OCOP để nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm của mình. Sự nổi tiếng là phải mang lại lợi ích cho cộng đồng, phải tạo ra giá trị từ những video mà mình sáng tạo để nâng cao các sản phẩm nông sản. Từ đó đồng hành cùng người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương”.


"Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện duy trì hoạt động của 16 HTX thanh niên, 21 tổ hợp tác, 9 trang trại trẻ, 958 mô hình kinh tế thanh niên, 55 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên tham gia cung ứng các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh.Trong năm 2022, Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp do Tỉnh đoàn Tuyên Quang phát động đã nhận được 164 ý tưởng về các lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghệ, thương mại, du lịch, dịch vụ, môi trường... Ban Tổ chức đã lựa chọn được 31 ý tưởng được tham dự vào vòng chung khảo và 15 ý tưởng vào vòng chung kết.", anh Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng ban Phong trào Tỉnh đoàn Tuyên Quang cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.