Thiệt hại nặng nề
Trao đổi với báo Dân tộc và Phát triển, anh Tô Văn Dũng, thôn An Thịnh, xã Phú Lương, huyện Sơn Dương buồn rầu kể, trước đây, anh chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, khoảng 4 năm trở lại đây, anh mạnh dạn chuyển sang chăn nuôi theo mô hình trang trại. Hiện, đàn lợn thịt có hơn 500 con, và 70 con lợn nái. Tuy nhiên, khi lợn chuẩn bị xuất chuồng thì 10 ngày trở lại đây, lợn liên tục bị dịch TLCP. Hiện đàn lợn của anh đã có 50 con lợn nái và hơn 120 con lợn thịt bị nhiễm bệnh, thiệt hại lên tới vài trăm triệu đồng.
Anh Dũng lo lắng cho biết, để đầu tư trang trại này anh đã phải vay nợ khắp nơi, trong đó anh đã phải thế chấp căn nhà vay lãi hơn 300 triệu đồng. Thế nhưng với tình hình này, anh không biết có thể trụ vững nữa không? Hiện tại nhiều hộ chăn nuôi trong khu vực anh Dũng sinh sống đã bỏ chăn nuôi, vì lợn chết dịch rất nhiều, không có khả năng phục hồi.
Không chỉ người mới nuôi theo mô hình trang trại như anh Dũng bị ảnh hưởng, nhiều người dù có kinh nghiệm cả chục năm, cũng không tránh khỏi dịch bệnh tấn công. Bà Trần Thị Lý, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình cho biết, dù có kinh nghiệm với quy trình chăm sóc cẩn thận, nhưng vừa qua, gia đình bà vẫn không tránh được thiệt hại nặng do dịch TLCP bùng phát trở lại.
Tính đến hết tháng 10/2021, cả nước xảy ra 1.834 ổ dịch TLCP tại 1.672 xã, 304 huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố. Đợt dịch lần này tập trung ở nhiều địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi như: Nghệ An 20.196 con, Lạng Sơn 10.205 con, Cao Bằng 8.102 con, Hà Giang 6.952 con… Đến nay, tổng số lợn bị tiêu hủy là 112.092 con, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020 với trọng lượng tiêu hủy ước tính trên 5.500 tấn.
Ông Nguyễn Văn ĐôngCục trưởng Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Khi trong thị trấn có dịch, gia đình bà Lý đã chủ động mua vôi bột khử trùng chuồng trại. Song cuối tháng 9 vừa qua, khoảng 10 con lợn của gia đình bà Lý bỏ ăn sau gần 1 tuần rồi chết. Chính quyền thị trấn và cán bộ thú y đến kiểm tra, khử khuẩn rồi thông báo cho bà Lý phải tiêu hủy cả đàn. Gần 50 con lợn giống, 100 con lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng bị đưa đi tiêu hủy.
"Thời gian qua, chi phí nuôi lợn tăng cao, cả gia đình tôi cũng chạy vạy, cố duy trì đàn lợn. Chưa kịp bù lỗ vì giá lợn xuống thấp, nay cả đàn dính dịch phải tiêu hủy, gia đình tôi thiệt hại hơn 400 triệu đồng”, bà Lý buồn rầu thông tin
Cẩn trọng khi tái đàn
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang, đến hết tháng 10/2021, tỉnh ghi nhận gần 5.000 con lợn nhiễm dịch TLCP tại 53 xã của 7 huyện, thành phố. Hiện dịch TLCP đang có chiều hướng lây lan, phát triển nhanh trở lại.
Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang cho biết, nguyên nhân bùng phát dịch TLCP trên địa bàn lần này, là do một số địa phương chưa tổ chưa kiểm soát tốt việc vận chuyển, mua bán, tiêu thụ lợn giống, lợn thịt. Trong khi đó, giá lợn hơi tăng cao, nên một số người chăn nuôi có tâm lý che giấu tình trạng lợn ốm chết không báo báo cho chính quyền. Theo đó, dịch bệnh càng khó bị xử lý.
Để giải quyết vấn đề này, ông Đào Duy Quý nhấn mạnh, thời gian tới, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc mua, bán, vận chuyển, giết mổ lợn và các sản phẩm từ lợn ra ngoài tỉnh.
Ở các vùng sâu vùng xa, chính quyền cũng không được lơ là, mà cần giám sát chặt chẽ đàn lợn tại thôn, bản; bảo đảm phát hiện kịp thời dịch bệnh ngay khi mới phát sinh, tổ chức xử lý triệt để tránh lây lan dịch bệnh.
Hiện nay, cơ quan chuyên môn các cấp trên địa bàn tỉnh đang tích cực hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Đồng thời, ở những nơi có dịch, các địa phương tích cực phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi.
Chi cục Chăn nuôi tỉnh Tuyên Quang cũng đưa ra khuyến cáo, tại những xã đã qua 21 ngày dịch bệnh, cơ quan chức năng cần tuyên truyền người chăn nuôi thận trọng, chưa nên tái đàn nếu không áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Thay vào đó, người dân cần tận dụng chuồng trại, cơ sở vật chất sẵn có tổ chức chăn nuôi các loài vật nuôi khác, như: Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, chăn nuôi các loài vật nuôi phù hợp (gà, vịt, ngan ...).