Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tủa Chùa (Điện Biên): Hiệu quả giảm nghèo từ thay đổi cách thức trong hỗ trợ

Hoàng Khánh - 13:38, 03/07/2022

Từ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, những năm qua huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế, đồng thời nhân rộng những mô hình hiệu quả. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo nghề để người dân tự chủ trong lao động sản xuất, tạo ra của cải, vật chất tăng thu nhập, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững là giải pháp căn cơ được địa phương đặc biệt chú trọng.

Nuôi dê hộ gia đình là mô hình sinh kế mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân huyện Tủa Chùa
Nuôi dê hộ gia đình là mô hình sinh kế mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân huyện Tủa Chùa

Chú trọng hỗ trợ phát triển sinh kế

Cách thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên 9km về hướng Bắc, xã Sính Phình có 18 thôn bản với trên 1.000 hộ, đa số là đồng bào dân tộc Mông. Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, cũng như nhiều xã khác trong huyện, Sính Phình được thụ hưởng nhiều chương trình dự án hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Nhiều công trình hạ tầng của xã được đầu tư xây dựng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao sản xuất và đời sống của Nhân dân.

Thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2018 xã Sính Phình được lựa chọn triển khai dự án sinh kế mô hình nuôi ong mật theo phương pháp cải tiến kỹ thuật. Dự án ban đầu triển khai hỗ trợ 30 hộ/90 đàn ong tiêu chuẩn, các hộ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc và khai thác mật.

Ông Vàng A Hua Thôn Phi Dinh 2, xã Sính Phình, cho biết: Trước kia gia đình cũng nuôi ong nhưng chưa đúng kỹ thuật sản lượng mật thấp, từ khi được cán bộ xã hướng dẫn nuôi ong mật với các kỹ thuật cải tiến, gia đình đã biết cách nuôi ong. Năng suất bình quân đạt 2kg mật/đàn/mùa. Chất lượng mật được nâng lên, không có nhiều tạp chất, lượng thủy phân giảm, mật đặc, sánh, mùi thơm ngon đặc trưng của mật ong hoa rừng nên giá trị kinh tế cũng cao hơn.

Từ ưu điểm của mô hình nuôi ong mật hộ gia đình, các thành viên đều có thể tự học hỏi và thực hành các kỹ thuật nuôi ong do thành viên khác trong gia đình truyền dạy. Việc nuôi ong không những tạo thu nhập về kinh tế mà còn tận dụng được nguồn lao động nông nhàn. Sau khi dự án kết thúc, các mô hình nuôi ong mật vẫn được duy trì và mở rộng quy mô (bình quân tăng 20 đàn/năm) tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo và cận nghèo ở xã Sính Phình có cơ hội thuận lợi phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững.

Ngoài mô hình nuôi ong mật, từ năm 2016 đến nay, huyện Tủa Chùa còn triển khai 37 mô hình chuyển đổi tập quán chăn nuôi như: Cá, gà, vịt, lợn, dê, trâu, bò với tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước và vốn đối ứng của người dân đạt 8,644 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cũng được triển khai rộng rãi trên địa bàn 12 xã, thị trấn với tổng số 72 dự án, tập trung hỗ trợ con giống gia súc, gia cầm, cây giống ăn quả, bộ máy móc thiết bị nông nghiệp cho 4.917 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Đổi mới cách thức hỗ trợ giảm nghèo

Trước đây, cách thức hỗ trợ giảm nghèo còn mang nặng tính bao cấp: Hỗ trợ gạo, trợ cấp tiền điện, tiền dầu, xây dựng đường giao thông, nhà ở... Trong khi đó việc hỗ trợ nâng cao năng lực, trình độ, ý chí tự lực để người dân vươn lên thoát nghèo chưa được chú trọng. Cách làm này được cho là thiếu bền vững, tạo cho người dân tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ Nhà nước.

Hiện nay có hàng chục mô hình chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả và kinh tế bền vững cho người dân Tủa Chùa
Hiện nay có hàng chục mô hình chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả và kinh tế bền vững cho người dân Tủa Chùa

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Tủa Chùa đã chú trọng vào việc triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo nghề để người dân tự chủ trong lao động sản xuất, tạo của cải, vật chất.

Đơn cử năm 2018, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) triển khai thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, xã đã chủ động kết nối với các tổ chức xã hội trong và ngoài huyện hỗ trợ thực hiện chỉ tiêu nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh. Thay vì hỗ trợ tiền để người dân tự xây dựng, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên - đơn vi giúp đỡ xã  Mường Báng đã trực tiếp thực hiện 3 mô hình điểm tại 3 thôn, bản để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách xây dựng nhà tiêu đảm bảo hợp vệ sinh và tiết kiệm chi phí. Ðối với hộ có hoàn cảnh khó khăn, xã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay vốn để xây dựng. Mô hình đã kết thúc nhưng đã nhân rộng tới hàng trăm hộ khác trên địa bàn xã Mường Báng. Nhiều hộ còn chủ động đầu tư xây bể chứa nước sinh hoạt và làm chuồng nuôi gia súc hợp vệ sinh.

Ông Lò Văn Nắm, Chủ tịch UBND xã Mường Báng cho biết: Theo cách bình xét hộ nghèo đa chiều hiện nay, không chỉ nghèo về thu nhập mà còn nghèo do thiếu hụt các dịch vụ y tế, giáo dục, truyền thông... Do đó, ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất, nhân rộng các mô hình kinh tế, xã đã kêu gọi hỗ trợ, hướng dẫn người dân thông qua các mô hình giảm nghèo về các dịch vụ xã hội; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân nông thôn nhằm cải thiện vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Cũng để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian qua huyện Tủa Chùa còn đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng nguồn lao động và giải quyết việc làm. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, Quỹ Vì người nghèo, các chính sách tín dụng ưu đãi, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm... Huyện đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới cho 7.530 lao động góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt 28,9%, lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 98%.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.