Theo đó, TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, thực hiện giảm 0,35% tỷ lệ hộ nghèo và 0,2% tỷ lệ hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều TP giai đoạn 2021 - 2025.
TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để góp phần hỗ trợ hộ cải thiện, nâng cao thu nhập, kéo giảm các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và an sinh xã hội.
Cụ thể, chính sách cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ như: Nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo dự kiến năm 2022 cho 11.481 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo vay vốn, với số tiền 459 tỷ đồng; chương trình cho vay giải quyết việc làm TP dự kiến năm 2022 cho vay 40.128 dự án, với số tiền 2.051 tỷ đồng; quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TP dự kiến cho vay 400 hộ, số tiền 12 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thành phố còn thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm (trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); chính sách hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người; chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ về giáo dục; chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ nhà ở; chính sách giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 tác động đã khiến số hộ nghèo, cận nghèo tại TP. Hồ Chí Minh gia tăng. Đầu năm 2021, TP. Hồ Chí Minh có gần 35.000 hộ nghèo và gần 19.000 hộ cận nghèo. Nhưng đến cuối năm 2021, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn TP. Hồ Chí Minh tăng lên hơn 58.000 hộ (chiếm gần 2,3% tổng hộ dân TP. Hồ Chí Minh), trong đó hộ nghèo là gần 37.800 và hộ cận nghèo là 20.200. Như vậy, TP. Hồ Chí Minh tăng gần 4.200 hộ nghèo và cận nghèo.