Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tư tưởng lớn trong một bức thư

Phương Hạ - 23:13, 22/01/2020

Bức thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946 thể hiện tư tưởng lớn của Người về đại đoàn kết toàn dân tộc. Gần 74 năm, nội dung bức thư này vẫn còn nguyên giá trị.

Hội nghị biểu dương người tiêu biểu dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên. (Ảnh chụp tháng 8/2016). Ảnh: Mạnh Quang
Hội nghị biểu dương người tiêu biểu dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên. (Ảnh chụp tháng 8/2016). Ảnh: Mạnh Quang

Ngắn, hàm súc, dễ hiểu là nét đặc trưng của phong cách Hồ Chí Minh trong nói và viết. Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku ngày 19/4/1946 điển hình cho phong cách ấy.

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa lớn lao của sự kiện này. Nhưng Người còn hiểu Đại hội nhiều nội dung, diễn ra khi tình hình đất nước hết sức khẩn trương, phức tạp. Thêm nữa, qua đêm trường nô lệ hơn 80 năm, chính sách “ngu dân” của Thực dân Pháp khiến đồng bào ta, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam, không được học hành, một bức thư ngắn là phù hợp. Và bức thư của Người chỉ gói gọn trong 291 chữ với 13 đoạn. Đó thực sự là điều đặc biệt.

Điều đặc biệt thứ hai nằm ở nội dung bức thư.

Ngắn đến mức không thể ít hơn về số chữ, bức thư vẫn thể hiện tình cảm lớn lao của Người với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam, cũng như đề cập những nội dung, vấn đề hết sức quan trọng, thiết thực, có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn.

Dòng đầu tiên, Người viết “Cùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Điểm chú ý ở đây là, Người không dùng từ “gửi” như thông lệ, mà dùng từ “cùng”. Xét về nghĩa, cho dù cùng là chuyển tải nội dung thông điệp, nhưng nếu từ “gửi” thiên về nghi thức, thì từ “cùng” thể hiện sự thân thiện, chia sẻ, gần gũi như trong một nhà, không còn xa cách. Cách dùng từ tinh tế đó khiến đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam cảm nhận được sự quan tâm, tình cảm ấm áp của người lãnh tụ.

Kế đó, Người khẳng định tình cảm sâu nặng của Người và Chính phủ với đồng bào với những câu, từ ngắn gọn, đầy ắp sự động viên, chia sẻ: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào”. Từ “đồng bào” tha thiết xuất hiện 5 lần, khẳng định rõ nguồn cội chung của các dân tộc nước ta, trong đó, các dân tộc thiểu số miền Nam là bộ phận không thể tách rời.

Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, tình cảm dạt dào của Bác Hồ.
Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm, tình cảm dạt dào của Bác Hồ

Cũng khía cạnh ngôn ngữ, là Chủ tịch nước, nhưng trong thư, Hồ Chí Minh dùng từ “chúng ta”. Nghĩa là Người đặt mình ngang hàng, bình đẳng một cách chân thành với đối tượng tiếp nhận thư là đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam (Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau/ Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu giây liên lạc, hai là vì có kẻ xui giục để chia rẽ chúng ta/ Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta). Tần xuất từ “chúng ta” là 13 lần, bắt đầu từ khổ thứ tư đến khổ thứ chín, nói lên rằng, Hồ Chí Minh về mặt tư tưởng luôn nhận thức rõ và hết sức coi trọng bình đẳng giữa các dân tộc. Người hiểu, đó là cơ sở, là tiền đề để các dân tộc tập hợp thành khối đoàn kết, thống nhất. Trước đó, vào ngày 2/9, trong Tuyên ngôn độc lập, ngay sau câu mở đầu, mệnh đề tiếp theo mà Người khẳng định là “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”.

Như vậy có thể nói, tiếp nối tư tưởng “Tuyên ngôn độc lập”, “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa” năm 1945, Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku gần 74 năm trước là một trong những văn kiện thể hiện nhất quán tư tưởng của Người về dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc. Tư tưởng đó trở thành nền tảng chính trị để Đảng, Nhà nước ta xây dựng quan điểm, đường lối, chính sách dân tộc và đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

Cũng chỉ trong 291 chữ, Người đã nêu ra những nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết của cách mạng. Người nhấn mạnh và quả quyết: Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta; Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung; chỉ rõ nguyên nhân quan trọng gây nên sự xa cách là do có những “kẻ xúi giục, chia rẽ” các dân tộc... Từ đó nêu ra nhiệm vụ tất yếu và cấp thiết; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm chung của toàn dân và đồng bào các dân tộc miền Nam: giúp nhau cùng tiến bộ; yêu thương, kính trọng nhau... để cùng phát triển (Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau); cảnh giác với âm mưu thâm độc của những kẻ xấu; khẳng định truyền thống và ý chí đoàn kết để “giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”; đồng thời, khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi của Nhân dân các dân tộc Việt Nam nhằm bảo vệ thành quả của cách mạng.

74 năm đã trôi qua, mùa Xuân này, đọc lại bức thư lịch sử nêu trên, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm dạt dào của Bác Hồ dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam và sự sâu sắc, tầm nhìn vượt thời gian của Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.