Moong Văn Sơn sinh ra trong gia đình người dân tộc Khơ-mú nghèo ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Năm lên 7 tuổi, bố mẹ Sơn bị bệnh lần lượt qua đời. Cuộc sống của hai anh em Sơn từ đó phải dựa vào sự quan tâm, lòng tốt của người dân trong bản. Người cho củ khoai, người bát gạo giúp hai anh em Sơn sống qua ngày.
Khó khăn là thế, nhưng Sơn nhất định không bỏ học, học hết chương trình trung học cơ sở, Sơn tự mình khăn gói ra thị trấn để tiếp tục vào Trường Dân tộc nội trú của huyện để hoàn thành chương trình THPT, rồi tiếp tục đăng ký vào lớp đào tạo Sơ cấp thú y do huyện Kỳ Sơn tổ chức.
Sau nhiều cố gắng học tập, tích lũy kiến thức, đầu năm 2016, Moong Văn Sơn trở về bản và làm hồ sơ xin vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn 30 triệu đồng, vay thêm Ngân hàng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn 50 triệu đồng. Bằng số tiền vốn này, Sơn đầu tư mua 1 con trâu giống và 3 con bò cái sinh sản để thực hiện bước khởi nghiệp đầu tiên của mình. Nhờ những kiến thức đã được đào tạo, áp dụng vào chăm sóc vật nuôi sau hai năm chăm chỉ, cần cù, những con bò, trâu lớn nhanh, to khỏe và sinh sản tốt, giúp cho Sơn có thu nhập trả lãi ngân hàng đầy đủ.
Từ kết quả ban đầu, Moong Văn Sơn tiếp tục nhân rộng đàn trâu, bò, mua thêm dê, gà, lợn về chăn nuôi. Đến nay, gia trại của Sơn đã có 16 con bò, 3 con trâu, và 20 con dê, hơn 1.000 gốc chuối mốc. Cùng với đó là một cơ ngơi gia trại rộng 5ha, mỗi năm mang lại cho gia đình Sơn trên 100 triệu đồng.
Ngoài ra, Sơn còn đầu tư mở cửa hàng tạp hóa, phục vụ mua sắm của bà con trong bản, mỗi tháng tăng thu nhập cho gia đình từ 1 đến 2 triệu đồng. Theo đó, từ một hộ nghèo, đến nay cuộc sống của gia đình Sơn đã có của ăn, của để và trở thành hộ khá trong bản.
Ông Cụt Thanh Hải, một hộ dân ở bản Phà Khảo cho biết: Cháu Sơn rất chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người đi trước để áp dụng vào chăn nuôi, sản xuất nên mô hình kinh tế của Sơn cho thu nhập cao hơn so với nhiều người khác. Trong bản ai cũng mến Sơn, thường lấy Sơn để làm gương cho con cái, người thân.
Điều ghi nhận ở chàng trai dân tộc Khơ-mú này là, khi cuộc sống của gia đình ổn định, Sơn đã quay lại để thực hiện ước mơ của mình là đăng ký dự thi và trúng tuyển vào Trường Trung cấp y TP. Vinh (Nghệ An).
Tốt nghiệp Trung cấp y, trở về quê, Moong Văn Sơn viết đơn xin làm cộng tác viên y tế thôn bản, để có thể thường xuyên giúp bà con trong bản khám, chữa bệnh. Bà Moong Thị Toán, 75 tuổi, một bệnh nhân thường xuyên được Sơn đến thăm khám kể: tuổi cao sức khỏe yếu, trước kia bà thường xuyên phải đi bệnh viện để điều trị. Thời gian qua, bà được cháu Sơn quan tâm, thường xuyên đến khám, đo huyết áp, lấy thuốc cho uống kịp thời nên không bị đổ bệnh nặng phải đến viện. Ở bản y tá Sơn là người tốt bụng, hay giúp đỡ người dân nên ai cũng tin tưởng và thương yêu…
Từ những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, với kết quả những việc mà Sơn đã làm và đạt được, Moong Văn Sơn đang là nhân tố truyền cảm hứng cho thanh niên trong vùng học tập và làm theo. Đặc biệt, Moong Văn Sơn là một trong 25 gương mặt thanh niên DTTS tiêu biểu của Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Nghệ An năm 2018 được tuyên dương.
MINH THỨ