Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình dịch nCoV chiều 5/2, GS, TS. Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay chưa có thuốc điều trị dự phòng và đặc hiệu với virus corona. Các phương pháp điều trị hiện nay dựa trên nguyên tắc cơ bản là điều trị triệu chứng: hạ sốt; bảo đảm dinh dưỡng và cân bằng điện giải, ăn uống đầy đủ; theo dõi sát những vấn đề liên quan đến độ bão hòa ô-xy trong máu (hô hấp).
Nếu phát hiện suy hô hấp, các bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp. Hiện nay có 3 mức để điều trị cho người bệnh suy hô hấp, ở mức nhẹ chỉ cần cho thở ô-xy; mức hai là can thiệp bằng thở có hỗ trợ; mức ba là thở máy.
Trong số 10 ca bệnh, đa phần bệnh nhân chỉ điều trị triệu chứng. Bệnh nhân duy nhất là người Trung Quốc (66 tuổi) có nhiều bệnh lý nên được cho thở ô-xy chứ không cần phải thở máy. 3 ca xuất viện tại Việt Nam đều được điều trị bằng phương pháp đơn giản.
PGS, TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hầu hết các trường hợp mắc nCoV tại Việt Nam đều trẻ tuổi và không có bệnh lý nền. Duy nhất, trường hợp người bệnh quốc tịch Trung Quốc có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường tuýp 2, thở yếu, nhưng sau thời gian điều trị từ 22/1 đến nay, bệnh nhân gần như đã khỏe, không phải thở máy.
“Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta triển khai đúng phác đồ điều trị. Chúng ta đã tổ chức cách ly, khám, điều trị, lấy bệnh phẩm xét nghiệm đúng quy trình theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện nay, Cục cũng đang chỉ đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa và Thanh Hóa gửi bệnh án để Hội đồng chuyên môn rút kinh nghiệm. Chúng tôi sẽ cập nhật phác đồ điều trị này với 700 đầu cầu Việt Nam vào ngày thứ Bảy tới”, ông Khuê nói.
Một thành tựu nữa của Việt Nam đến nay là không xảy ra tình trạng bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Sự phối hợp của khoa, phòng trong chẩn đoán, điều trị căn bệnh truyền nhiễm đã giúp việc điều trị hiệu quả hơn.
“Tại Trung Quốc, có hơn 80% là người bệnh trên 60 tuổi có bệnh lý nền và tỷ lệ tử vong cao. Còn tại Việt Nam, ca bệnh người Trung Quốc mắc bệnh lý nền đã được điều trị rất khả quan”, ông Khuê nói.
GS, TS. Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đưa ra phác đồ điều trị và dự phòng tại các cơ sở y tế chặt chẽ. Với các trường hợp được cách ly điều trị, các bác sĩ đã áp dụng biện pháp điều trị mới, mở cửa cho thoáng khí. Bài học từ dịch SARS và phòng các bệnh lây nhiễm trong điều kiện còn thiếu thốn là phải mở hết tất cả cửa sổ, điều trị triệu chứng, theo dõi sát, lập phòng cách ly có vùng đệm.
Về việc Thái Lan, Trung Quốc có biện pháp sử dụng thuốc kháng HIV ở bậc 2 để điều trị thành công ca mắc nCoV, GS, TS. Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam cũng sẵn sàng thử nghiệm phác đồ này. Hiện nay, Việt Nam cũng đã liên hệ với các tổ chức quốc tế để sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khi đưa thuốc này vào điều trị. "Ngành Y tế liên tục cập nhật phác đồ điều trị của thế giới”, GS Long nói.