Đây là một trong những nội dung thuộc Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Lớp truyền dạy có sự tham gia của 2 nghệ nhân và 18 học viên dân tộc Kháng, bản Nà Đắng, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo.
Thông qua Lớp truyền dạy giúp cộng đồng dân tộc Kháng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành, gìn giữ quy trình nghề làm trang phục truyền thống. Đồng thời tạo sự nối tiếp giữa các thế hệ tham gia thực hành nghề làm trang phục truyền thống; phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan trong quá trình tổ chức truyền dạy nghề truyền thống trên địa bàn.
Sau 15 ngày được các nghệ nhân tổ chức truyền dạy, các học viên đã nắm được cơ bản các kỹ thuật, khả năng thực hành làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng.
Hiện nay, trên địa bàn xã Ta Ma, số lượng người biết may trang phục truyền thống dân tộc Kháng vẫn còn khá nhiều, nhưng số lượng người trẻ biết may thì rất ít. Vì vậy, việc truyền dạy nghề may trang phục truyền thống của dân tộc Kháng là việc làm cần thiết, cấp bách nhằm gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trang phục truyền thống của người phụ nữ dân tộc Kháng gồm áo ngắn gần giống như áo cóm của dân tộc Thái. Nét khác biệt là những hoa văn, họa tiết điểm xuyết trên chiếc áo mang bản sắc riêng của dân tộc Kháng.
Trang phục lễ hội của phụ nữ Kháng là váy đen, áo cóm cổ chữ V khoét sâu, thắt lưng xanh. Trên viền nẹp áo họ khâu thêm dải vải màu sắc nổi bật. Trên hai vai áo có đính hai dải vải đỏ buông xuống trước ngực. Trên hai dải vải này chị em phụ nữ đính thêm các hạt nhũ kim và các đồng xu.
Phụ nữ dân tộc Kháng khi đã có chồng cũng búi tóc cao giống như cách “tằng cẩu” của phụ nữ dân tộc Thái. Tuy nhiên, khi búi tóc, phụ nữ Kháng không cài mặt trâm quay về phía trước mà quay sang bên phải.