Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An: Địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS

An Yên - Thùy Như - 07:24, 17/12/2023

Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An có địa chỉ tại huyện miền núi Con Cuông với nhiệm vụ đào tạo nghề và tìm việc làm cho lao động là con em các huyện miền núi, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gồm các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ và huyện Thanh Chương. Trong nhiều năm qua, với tâm huyết và trách nhiệm của mình, các thầy cố giáo nhà trường đã nỗ lực vượt khó để góp phần đưa ngôi trường trở thành địa chỉ tin cậy của học sinh, phụ huynh vùng DTTS thông qua việc hỗ trợ, đồng hành cùng các em lựa chọn học nghề một cách đúng đắn, hiệu quả để lập thân, lập nghiệp.

(BCĐ- Chuyên đề Vận động) Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An: Địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS
Một lớp học nghề về cơ khí tại trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An

Những minh chứng thuyết phục…

Trò chuyện với chúng tôi, Hiệu trưởng trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An, Lê Văn Tuấn vẫn chưa quên được những khoảnh khắc băng rừng, vượt núi đi về các bản làng vùng cao miền Tây xứ Nghệ để vận động học sinh đi học nghề trong những năm qua. "Những ngày đầu đi vận động, tuyên truyền, do chưa có kinh nghiệm, nên khi chúng tôi đến thì cả bản làng vắng hoe vì tất cả còn bận lên rừng, lên rẫy. Sau này rút kinh nghiệm, chúng tôi thường đi vào lúc trưa hay chập tối. Thường những chuyến đi như thế kéo dài cả một tuần. Mặc dù phải trèo đèo, lội suối, rất vất vả và nguy hiểm... nhưng kết quả thu được vẫn còn khiếm tốn, công tác tuyển sinh vẫn chưa đạt được như mong muốn". 

Thời đó, quãng đường xa ngái, cùng nhận thức, suy nghĩ hạn chế của người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi nơi đây đang là những trở ngại rất lớn trên hành trình tuyên truyền, vận động học sinh sau tốt nghiệp THCS xuống núi để học nghề đối với các thầy cô giáo trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An. Mặc dù, các em học sinh được Đảng, Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ học nghề sau khi tốt nghiệp THCS với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, như: miễn học phí, hỗ trợ kinh phí ăn ở, cấp học bổng hằng tháng, hỗ trợ tiền mua học phẩm, tiền tàu xe đi lại, tiền lễ tết… Đặc biệt, đối tượng được thụ hưởng chính sách nội trú tương đối rộng, cả học sinh DTTS lẫn học sinh dân tộc Kinh; không bắt buộc là học sinh phải thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh sống ở địa bàn ĐBKK. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các em còn chưa mặn mà, vì vậy, tỷ lệ học sinh học nghề tại trường còn thấp. Đây cũng là những trăn trở của Ban giám hiệu nhà trường trong nhiều năm qua. 

Giờ học nghề may của học sinh nhà trường
Giờ học nghề may của học sinh nhà trường

Trước thực trạng này, nhiều cuộc họp tìm hướng giải quyết đã được Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo triển khai, thảo luận. Các ý kiến đóng góp cũng đã được đưa ra: phải tiếp tục nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực kêu gọi nguồn đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu học nghề và ăn, nghỉ cho học sinh. Thậm chí tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, trong đó thông qua chính kết quả tìm kiếm việc làm ổn định, có thu nhập cao của các em học sinh sau khi tốt nghiệp tại trường để làm minh chứng cụ thể, sinh động, thuyết phục trong công tác thu hút tuyển sinh hằng năm... 

Và rồi, những nỗ lực của các thầy cô cũng đã được đến đáp. Nhiều học sinh ra trường đã trở thành tuyên truyền viên tích cực cho nhà trường, tạo hiệu ứng để công tác tuyển sinh học nghề của nhà trường đạt được những kết quả đáng khích lệ. Điển hình như: Em Vi Thị Mạnh, Vi Thị Điệp ở bản Na Hỷ xã Nhôn Mai huyện Tương Dương là một trong những học sinh đã có được việc làm ổn định tại công ty may mặc sau khi tốt nghiệp tại trường. Noi theo chị, hai người em của Điệp cũng lần lượt đăng ký tham gia học nghề tại trường là Lữ Văn Hợi và Vi May Hoàng. Rồi em Xeo Văn Thuật ở xã Bảo Nam huyện Kỳ Sơn cũng từng học nghề tại trường, nay đã đi làm tại một công ty ở Đồng Nai. Tiếp đó, em là Xeo Văn Tùng là em trai của Xeo Văn Thuật cũng nối gót anh đến học nghề tại trường với mong muốn sau này sớm có việc làm ổn định. Hai anh em Nguyễn Văn Hào và Nguyễn Văn Lĩnh ở xã Lạng Khê huyện Con Cuông cũng đã nối gót nhau học nghề tại trường trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An…

Địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực vùng DTTS

Mấy năm trở lại đây, trường trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An đã trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều học sinh sau tốt nghiệp theo học nghề trước khi lập thân, lập nghiệp. Theo đó, công tác tuyển sinh của nhà trường đều đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu. Ngay như năm học 2023-2024, nhà trường đã tuyển mới 1.425/1.175 chỉ tiêu, đạt 121,3% chỉ tiêu tỉnh giao; trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp là 830/620 chỉ tiêu, trình độ trung cấp là 595/555 chỉ tiêu.

Trường trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An có ý tưởng đạt giải tại hộ thi lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do tỉnh Nghệ An tổ chức
Trường trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An có ý tưởng đạt giải tại hộ thi lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do tỉnh Nghệ An tổ chức

Hiện tại, nhà trường đang đào tạo các nhóm nghề trung cấp như: may mặc, thời trang, hàn xì, điện dân dụng, điện công nghiệp, thú ý, công nghệ ô tô, nấu ăn, trồng trọt, chăn nuôi… Năm học 2023 - 2024, nhà trường cũng đã phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tổ chức đào tạo song bằng, vừa học văn hóa, vừa học nghề cho gần 300 học sinh.

Phần lớn các học sinh theo học tại đều trường là người DTTS ở các huyện miền núi tỉnh Nghệ An như: Thái, Khơ mú, Mông, Đan Lai... Sau khi tốt nghiệp, 100% học sinh đều được nhà trường hỗ trợ tìm kiếm việc làm ổn định thông qua việc giới thiệu và kết hợp với các doanh nghiệp tiếp nhận lao động.

Ngoài dạy nghề, định hướng nghề nghiệp, Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An còn chú trọng rèn người. Những kỹ năng mềm, các kiến thức về giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, tảo hôn, phòng chống sốt xuất huyết… đã được tuyên truyền đến từng học sinh. Hơn nữa, nhà trường còn phối hợp với huyện đoàn, trung tâm phát triển thanh thiếu niên tỉnh Nghệ An tổ chức ngoại khóa “ Nói không với bạo lực học đường”, ra mắt mô hình điểm “Không gian sáng tạo trẻ - Khoa học công nghệ”; thành lập câu lạc bộ sáng tạo tại trường, tập huấn phòng chống cháy nổ, giao thông an toàn… Từ năm học 2023-2024, nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, dân vụ, võ thuật… để các em có sân chơi thỏa lòng đam mê, rèn luyện sức khỏe.

Trường trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An đang là địa chỉ tin cậy cho nhiều học sinh, phụ huynh vùng DTTS
Trường trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An đang là địa chỉ tin cậy cho nhiều học sinh, phụ huynh vùng DTTS

Thầy Lê Văn Tuấn chia sẻ: Học sinh học tại trường không chỉ được học nghề, được định hướng nghề nghiệp mà còn được phát triển đầy đủ về thể chất, kiến thức, các kỹ năng mềm trong môi trường nội trú một cách an toàn, lành mạnh. Đó sẽ là vốn kiến thức bổ ích khi các em bước vào cuộc sống sau này. Và đây cũng chính là mục tiêu của nhà trường trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS tại địa phương. Với những nỗ lực đó, kết quả học tập của nhà trường ngày một chất lượng, năm nay cao hơn năm trước. Cụ thể như, trong năm học vừa qua, toàn trường có 27 lớp trung cấp với 832 học sinh; thì kết quả xếp loại học lực giỏi và xuất sắc chiếm 11,9%; loại khá 50,8%; còn lại 37,3% là trung bình. Cũng trong năm học vừa qua, nhà trường đã có 2 dự án ý tưởng khởi nghiệp của học sinh lần đầu tiên tham gia cấp tỉnh, thì đã có 1 dự án đạt giải nhất, 1 dự án đạt giải khuyến khích…

Rời mái trường trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An, chúng tôi không khỏi phấn khởi bởi những nỗ lực của thầy cô giáo nơi đây để ngôi trường thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy của học sinh, phụ huynh vùng DTTS. Dưới mái trường này, cuộc đời của nhiều thanh niên vùng DTTS Nghệ An đã bước sang trang mới bằng chính việc lựa chọn con đường học nghề để lập thân, lập nghiệp một cách đúng đắn, hiệu quả nhất.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.