Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong những năm gần đây, ở Việt Nam, mô hình áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi tuần hoàn đã nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao của trồng trọt (như trồng cỏ, trồng ngô sinh khối,...) làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc; trồng lúa, rau hữu cơ.
Hiện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình phát triển chăn nuôi tuần hoàn, đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt theo hướng hữu cơ được triển khai trên địa bàn 6 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai. Hay như mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng trọt được triển khai tại các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Giang, Điện Biên.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá các mô hình khuyến nông về phát triển chăn nuôi tuần hoàn đã đạt được những kết quả nhất định, song việc phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, một số địa phương chưa có chính sách hỗ trợ tài chính, đất đai, nguồn lực nên chưa phát triển kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, phụ phẩm nông nghiệp chưa được tái sử dụng triệt để tại một số địa phương, vẫn còn tình trạng lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải vật nuôi, gây ô nhiễm môi trường…
Nhận thức của người dân, doanh nghiệp về bản chất của phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi chưa đầy đủ. Nhiều hộ tham gia vẫn theo thói quen, kinh nghiệm đã có nên khi tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật còn hạn chế.
Việc sản xuất và thương mại phế phụ phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, đa số mới chỉ dừng lại tận dụng để phục vụ trồng trọt tại gia đình.
Một số địa phương chưa quan tâm đến sản xuất chăn nuôi tuần hoàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm nên sản phẩm đầu ra còn bấp bênh do thị trường chi phối.
Theo ông Vũ Đức Hảo - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên, Diễn đàn Khuyến nông@Nông nghiệp chủ đề "Giải pháp phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" nhằm đánh giá thực trạng và đề ra những giải pháp về phát triển chăn nuôi tuần hoàn.
Thông qua Diễn đàn sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp và người dân nắm được các chủ trương, chính sách và giải pháp khoa học công nghệ trong phát triển chăn nuôi tuần hoàn; giải đáp những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; thúc đẩy liên kết "bốn nhà" trong kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Thái Nguyên học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm quý về phát triển chăn nuôi giữa các tỉnh trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi lớn mạnh, bền vững trong xu thế hội nhập quốc tế.
Ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm phù hợp điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương.
Cùng với đó, các doanh nghiệp, hội và hiệp hội dựa trên thông tin và kết quả của Diễn đàn đề xuất đặt hàng các các nội dung liên kết hợp tác với hệ thống khuyến nông, HTX, người dân.
“HTX, người sản xuất căn cứ vào thông tin, kết quả tại Diễn đàn để tổ chức sản xuất đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các thành phần trong chuỗi sản xuất tuần hoàn, với các doanh nghiệp để liên kết, cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm”, ông Lê Minh Lịnh nhấn mạnh.