Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Liên kết tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã 7 tỉnh Đông Bắc

PV - 15:05, 04/12/2020

Ngày 4/12, tại thành phố Bắc Giang, Liên minh Hợp tác xã 7 tỉnh Đông Bắc đã tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm hợp tác xã trên địa bàn.

Liên minh Hợp tác xã 7 tỉnh Đông Bắc gồm: Bắc Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Hội nghị nhằm chia sẻ các vấn đề liên quan đến việc sản xuất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm, liên kết tiêu thụ sản phẩm, khó khăn trong quản lý điều hành hợp tác xã, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung cầu…

Hội nghị kết nối cung cầu lần này là cơ hội giúp các hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp và nhà phân phối gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường; cùng nhau trao đổi tìm ra các giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Vải thiều Lục Ngạn được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể - TL
Vải thiều Lục Ngạn được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể - Ảnh TL

Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ; tìm kiếm đầu ra và kết nối cung cầu , phát triển hệ thống phân phối nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương, tiến tới vươn xa thị trường trong nước và quốc tế.

Hiện nay, tình hình kinh tế tập thể, hợp tác xã từng bước đổi mới, khẳng định rõ hơn vai trò của hợp tác xã trong nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Nhiều sản phẩm của các hợp tác xã 7 tỉnh Đông Bắc được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, có tem, nhãn, mác, bao bì đẹp, bắt mắt không những tiêu thụ ổn định tại thị trường trong nước mà còn xuất khẩu và được bảo hộ tại thị trường quốc tế như: mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, miến dong Bắc Cạn, chè Thái Nguyên…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, Bắc Giang là điểm sáng về kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại. Sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã cải thiện, có chất lượng, mẫu mã bắt mắt, có tem truy xuất nguồn gốc.

Sản phẩm Miền dong nổi tiếng của Bắc Kạn - TL
Sản phẩm miến dong nổi tiếng của Bắc Kạn - Ảnh TL

Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp; doanh nghiệp và hợp tác xã, hộ nông dân chưa thực sự gắn bó và thực hiện đúng cam kết đã ký; chưa có các mô hình liên kết quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, nhận thức của một số hợp tác xã về tầm quan trọng của xúc tiến thương mại còn hạn chế.

Ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam  khẳng định, việc kết nối cung cầu sản phẩm hợp tác xã có ý nghĩa quan trọng quyết định hiệu quả kinh tế của các hợp tác xã.

Ông Lê Văn Nghị đề nghị, Liên minh Hợp tác xã tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối, phối hợp chặt chẽ, tạo mắt xích quan trọng trong liên kết 6 nhà “ nhà nông - nhà nước - nhà đầu tư - nhà băng – nhà khoa học- nhà phân phối”; thường xuyên tổ chức cho các hợp tác xã được học tập, trao đổi thông tin và liên kết tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn giúp các hợp tác xã thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu liên kết để phát triển, tạo môi trường đầu tư thân thiện, cởi mở.

Thúc đẩy thương mại cho hợp tác xã
Thúc đẩy thương mại cho hợp tác xã

Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh cũng cần chủ động tham mưu cho Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh có chính sách cụ thể để thực hiện công tác xúc tiến thương mại cho hợp tác xã; mỗi tỉnh nên thành lập một hợp tác xã OCOP cấp tỉnh để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm; đồng thời, các giám đốc hợp tác xã phải có đam mê, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào quá trình sản xuất của hợp tác xã.

(Tin thuộc Chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)