Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Trùng Khánh (Cao Bằng): Chú trọng phát triển cây ăn quả để nâng cao thu nhập cho người dân

Minh Thu - 12:28, 22/12/2023

Trùng Khánh là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do đặc thù địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nên đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn hạn chế và mật độ dân số phân bố không đồng đều… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước bằng các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đời sống người dân vùng đồng bào DTTS nơi đây đã có nhiều đổi thay.

 Huyện Trùng Khánh đã chú trọng phát triển cây hạt dẻ trở thành cây chủ lực của địa phương.
Huyện Trùng Khánh đã chú trọng phát triển cây hạt dẻ trở thành cây chủ lực của địa phương.

Từ năm 2021 đến nay, huyện Trùng Khánh huy động lồng ghép các nguồn vốn trên 717,1 tỷ đồng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, ngân sách Trung ương phân bổ 507,3 tỷ đồng, nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương trên 2,4 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương trên 191 tỷ đồng.

Những năm gần đây, huyện Trùng Khánh đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Trong những năm 2021 - 2023, Chương trình được giao nguồn vốn trên 240 tỷ đồng, đến ngày 30/6/2023 giải ngân 84,2 tỷ đồng, đạt 36,35% kế hoạch.

Nhờ hỗ trợ từ Chương trình, đến nay huyện đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần thay đổi cơ bản các xã đặc biệt khó khăn của huyện, đời sống hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân giảm 4% trở lên/năm.

Bên cạnh đó, huyện Trùng Khánh còn lồng ghép thực hiện hiệu quả các Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Để ổn định sinh kế, phát triển sản xuất cho bà con DTTS, những năm gần đây, huyện Trùng Khánh đã quan tâm chú trọng phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa, tận dụng thế mạnh của địa phương. Trong đó, một số cây được tập trung và ưu tiên phát triển như: hạt dẻ, cam, quýt, lê.

Hạt dẻ Trùng Khánh đã trở thành thương hiệu đặc sản nổi tiếng của địa phương
Hạt dẻ Trùng Khánh đã trở thành thương hiệu đặc sản nổi tiếng của địa phương

Trước đây, người dân thường không có thói quen chọn giống, đa phần đều để cây trồng tự lớn rồi thu hoạch nên sản lượng không cao. Nhưng hai năm gần đây, huyện Trùng Khánh đã khuyến khích người dân cải tạo diện tích cây cũ kết hợp trồng mới để gia tăng diện tích và sản lượng. Chẳng hạn như cây dẻ, trên địa bàn huyện đã trồng mới 166,6/300 ha, nâng tổng diện tích cây dẻ đạt gần 600ha, tập trung tại các xã: Chí Viễn, Khâm Thành, Đình Phong, Ngọc Khê, Phong Châu, Đình Minh, Đàm Thủy. Sản lượng hạt dẻ bình quân đạt khoảng 160 tấn hạt/năm. Với giá bán trung bình 100 - 140 nghìn đồng/kg, hạt dẻ, tạo ra nguồn thu đáng kể giúp giảm nghèo tại địa phương.

Những hộ nghèo, cận nghèo khi tham gia phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hóa đều được hỗ trợ giống, có nghiệm thu tỷ lệ giống phát triển, được hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Chính vì vậy, ngoài diện tích hạt dẻ, diện tích cây cam, quýt trồng mới của huyện hiện nay là 81,49/100 ha (đăng ký), sản lượng bình quân đạt khoảng 600 tấn/năm. Diện tích lê trồng mới được 36,6/45 ha (đăng ký), trong đó khoảng 25 ha đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân hằng năm đạt 100 tấn/năm.

Gia đình ông Hứa Văn Đảng ở xóm Đoỏng Luông - Chi Choi, xã Đình Phong đã trồng dẻ cách đây cả chục năm trước với hơn 50 gốc. Nhận thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt và có giá trị kinh tế cao nên ông Đảng đã tự ươm giống và mở rộng dần diện tích. Sau khi trồng từ 4 - 5 năm là cây sẽ cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 10 kg/cây, những cây to có thể cho thu hoạch khoảng 20 kg/cây.

Không chỉ gia đình ông Đảng mà hiện nay, 100% số xóm trong xã Đình Phong đều trồng dẻ với tổng diện tích hơn 76 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 30 ha, diện tích trồng mới là 46 ha.

Người dân trồng hạt dẻ được tham gia tập huấn, đào tạo kỹ năng trồng và chăm sóc cây.
Người dân trồng hạt dẻ được tham gia tập huấn, đào tạo kỹ năng trồng và chăm sóc cây.

Để tạo thương hiệu góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm nông sản địa phương, huyện Trùng Khánh đã kết hợp với tỉnh Cao Bằng và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai nghiên cứu nhiều đề tài phục tráng, bảo tồn và phát triển các loại cây ăn quả, trong đó có cây dẻ.

Đồng thời, huyện cũng tập trung hỗ trợ người dân, Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp xây dựng vườn ươm, vườn bảo tồn nguồn gen gốc, tìm phương pháp diệt trừ sâu bệnh, hướng dẫn nông dân, thành viên HTX cách phòng trừ sâu bệnh.

Xác định được tầm quan trọng của mô hình kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế nông thôn, huyện đã quan tâm phát triển mô hình HTX để làm nền tảng hỗ trợ người dân liên kết, sản xuất theo hình thức “4 nhà”, từ đó hạn chế khó khăn và tạo thuận lợi trong tiếp cận các chính sách, cơ chế của Nhà nước.

Đến nay, Trùng Khánh đã phát triển và xây dựng được những mô hình kinh tế hàng hóa hiệu quả. Điển hình như HTX An Thịnh, xã Lưu Ngọc, HTX Nông lâm và dịch vụ An Bình, xã Cao Chương.

Một trong những mô hình tiêu biểu đó chính là HTX Bích Loan, ở thị trấn Trùng Khánh đã đầu tư vườn ươm cây hạt dẻ, áp dụng kỹ thuật ghép giống để giảm thời gian phát triển, rút ngắn thời gian cây cho quả nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn cách ươm truyền thống. Đến nay, HTX xuất hơn 7.000 cây dẻ ghép, hơn 1.000 cây dẻ thực sinh để phục vụ người dân mở rộng diện tích. Ngoài ra, HTX còn đầu tư phát triển các loại giống cây ăn quả nhằm hỗ trợ người dân sản xuất theo hướng hàng hóa một cách thuận lợi.

Đáng nói, việc phát triển kinh tế nông nghiệp thông qua các HTX còn góp phần phát triển du lịch trải nghiệm. Hiện trên địa bàn huyện đã có nhiều homestay và cơ sở lưu trú được các doanh nghiệp, HTX, cá nhân đầu tư xây dựng, thu hút đông đảo khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Cũng từ đây, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã được cải thiện và nâng cao, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.