Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Trở lại những nơi một thời đạn bom

PV - 09:59, 20/04/2018

Nhân dịp 43 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4); Báo Dân tộc và Phát triển xin gửi đến bạn đọc loạt bài về sự hồi sinh, phát triển của những vùng đất từng oằn mình đau thương trong bom đạn chiến tranh.

Bài 1: Nâm Nung hôm nay

Lần dở lại những trang lịch sử địa phương, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông là một trong những địa danh anh hùng, ghi dấu những chiến công của quân, dân các dân tộc Tây Nguyên. Hôm nay, chiến tranh đã lùi xa, đồng bào các DTTS đang tiếp tục ghi những dấu ấn trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, xây dựng quê hương giàu đẹp...

Đường vào thôn bon xã Nâm Nung thảm nhựa phẳng lì, đồng bào xây dựng nhà cửa kiên cố. Đường vào thôn bon xã Nâm Nung thảm nhựa phẳng lì, đồng bào xây dựng nhà cửa kiên cố.

Dưới cái nắng tháng Tư cao điểm của mùa khô, màu xanh của tiêu, cà phê và những rẫy điều ở Nâm Nung vẫn tươi tốt, trĩu quả làm không khí mát rượi. Lướt xe trên con đường nhựa phẳng lì dẫn vào các bon, ngắm những ngôi nhà mái thái như những căn biệt thự nhỏ lấp ló trong vườn tiêu, cà phê xanh rì, chúng tôi thấy rõ sự ổn định, phồn vinh trên vùng đất một thời bom đạn.

Chủ tịch UBND xã Nâm Nung Trần Văn Quảng tự hào khoe: “Nâm Nung ngày nay đổi thay nhiều lắm! Hệ thống cơ sở vật chất được kiến thiết khang trang làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nông thôn của xã. Trước đây, đói khổ đủ bề, nhưng nay, đồng bào đã có cuộc sống no ấm, sung túc nhiều gia đình làm ăn kinh tế khá giả xây nhà lầu còn sắm được cả xe hơi nữa đấy”.

Xã Nâm Nung nằm dưới dãy núi cao nhất vùng đất cực Nam của Tây Nguyên-núi Nâm Nung với độ cao trên 1.500m. Trong kháng chiến chống Mỹ Nâm Nung là vùng căn cứ cách mạng, nơi hoạt động và che chở an toàn cho cán bộ của tỉnh Quảng Đức và Liên khu 5, đóng góp nhiều công sức, xương máu cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1994.

Già làng Y Thi ở bon Ja Ráh, một trong 4 người M’nông đầu tiên tham gia hoạt động cách mạng ở vùng căn cứ này và được kết nạp Đảng năm 1959 là nhân chứng sống hiếm hoi của lịch sử Nâm Nung. Ở tuổi ngoài 80, đôi chân già không còn đứng vững, nhưng đôi mắt vẫn sáng ngời và trí nhớ của già còn minh mẫn đến lạ kỳ.

Hai vợ chồng già làng Y Thi xem lại Huân chương kháng chiến. Hai vợ chồng già làng Y Thi xem lại Huân chương kháng chiến.

Già Y Thi kể: Thời chiến tranh, đồng bào các dân tộc khu căn cứ Nâm Nung ăn măng le, lá bép, củ mì khô thiếu thốn, gian khổ nhưng vẫn một lòng theo cách mạng, làm cách mạng đến cùng. “Già mừng vì có đi theo cách mạng thì bây giờ đời sống của đồng bào mới ấm no, hạnh phúc. Nhà nào cũng có xe máy để đi, ti vi xem thời sự, thời tiết và học tập kinh nghiệm sản xuất để phát triển kinh tế”.

Xã Nâm Nung có khoảng 5.929ha cây trồng các loại, trong đó cà phê 1.484ha, đàn gia súc đã phát triển đến 4.980 con. Diện tích cây trồng và số lượng vật nuôi này đang từng ngày mang lại ấm no cho người dân trong xã. Năm 2017, xã có 419 hộ nghèo, thì nay chỉ còn 260 hộ.

Nhiều hộ đồng bào DTTS không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu. Như, gia đình anh K’lưu ở bon R’Cập, nhờ biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật đầu tư phát triển 2 sào rẫy. Anh đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất.

Hay như gia đình ông Y K’lơng, bon Ja Ráh từng thuộc diện nghèo đói nay cũng là một trong những hộ khá giả trong làng.

Nhờ được xã giải quyết cấp cho gần một ha đất sản xuất theo Quyết định 132 của Chính phủ, và được Hội Nông dân xã hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê, ông Y K’lơng đã chuyển 3ha diện tích trồng sắn, lúa rẫy sang trồng cà phê; áp dựng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh tế của gia đình Y K’lơng ngày càng khấm khá. Ông đã xây được căn nhà khang trang, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Xã Nâm Nung có 7 thôn bon, gần 1700 hộ, trong đó có đến 90% đồng bào DTTS, chủ yếu người M’Nông. Từ một xã nghèo, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, đồng bào các DTTS Nâm Nung đoàn kết một lòng xây dựng quê hương cách mạng. Xã đã hoàn thiện được đường bê tông nhựa đến tận các thôn, bon với 120km phục vụ việc đi lại cho nhân dân. Hệ thống điện lưới quốc gia vươn dài theo những triền đồi đến tận các bon làng xa xôi.

Trường học khang trang, trẻ em đến trường mặc quần áo đẹp, gọn gang, sạch sẽ. Trạm y tế xã có bác sĩ túc trực để khám chữa bệnh kịp thời cho đồng bào. Hệ thống thủy lợi đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất. Khoa học kỹ thuật được triển khai đến tận thôn buôn để hướng dẫn các hộ dân áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống.

Không những cùng nhau xây dựng kinh tế, phát triển xã hội mà đồng bào các dân tộc Nâm Nung còn bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Theo bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung thì, hiện nay xã Nam Nung có 3 đội cồng chiêng của dân tộc M’nông ở bon Ja Ráh, Dốc Ju và thôn Nam Tiến hoạt động thường xuyên.

Trong đó, bon Ja Ráh đã thành lập được câu lạc bộ cồng chiêng-hát dân ca với 15 nghệ nhân. Ngoài ra, nhiều gia đình còn giữ được chiêng, ché và các hiện vật văn hóa quý và nghề ủ rượu cần truyền thống.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh tại vùng ảnh hưởng bởi bão, lũ

Tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh tại vùng ảnh hưởng bởi bão, lũ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà trường tại những vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ thực hiện giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học, không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.