Diện mạo mới ở vùng căn cứ cách mạng
Trong không khí của những ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngược theo QL 24, chúng tôi trở lại huyện miền núi Ba Tơ, quê hương đội du kích Anh hùng, tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 5 ngày nay, nơi đã ghi dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sự thay đổi của vùng đất này. Một đô thị sầm uất, với những con đường sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng mọc lên, khu vực quảng trường, quần thể các di tích cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ được tu sửa, nâng cấp khang trang… là những nét chấm phá ấn tượng trong bức tranh đầy sức sống của huyện Ba Tơ trên đường đổi mới.
Trên hành trình xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên dẫn đầu các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, ngoài sự nỗ lực vươn lên của người dân thì sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước là đòn bẩy để vùng đất này phát triển. Theo lãnh đạo huyện, kể từ khi các xã Ba Vinh, Ba Giang, Ba Chùa, Ba Thành, Ba Động và thị trấn Ba Tơ được công nhận là An toàn khu (ATK), địa phương có thêm điều kiện góp phần làm thay đổi diện mạo. Tại xã Ba Giang, vốn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là về cơ sở hạ tầng đã được đầu tư gần 4 tỷ đồng để mở rộng, bê tông tuyến đường từ xóm Ba Nhà đến trung tâm xã, tạo điều kiện cho bà con đi lại thuận lợi hơn.
Bà Phạm Thị Thiêu, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành vui vẻ cho hay: “Từ làng trên xóm dưới, bà con ai cũng phấn khởi vì làng mình, xã mình được công nhận là ATK. Ai nấy cũng đều hy vọng trên những con đường mòn ngày xưa quân và dân ta tải đạn, vận chuyển lương thực phục vụ cho cách mạng rồi đây sẽ được xây dựng to đẹp hơn...”.
Theo kế hoạch đến năm 2020, các xã sẽ được đầu tư từ 75-90 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện các dự án dân sinh. “Cuộc sống vùng ATK có thay đổi mạnh mẽ, bứt phá đi lên hay không còn phụ thuộc vào nguồn vốn ATK trong những năm còn lại của nhiệm kỳ 2016-2020. Huyện sẽ cố gắng đề xuất với cấp trên quan tâm về chính sách để tiếp tục xây dựng những công trình thiết yếu, dân sinh nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển ở địa phương”, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Trần Trung Triết cho biết thêm.
Đổi thay nhờ nông lâm nghiệp
Huyện Ba Tơ đang đẩy mạnh hoạt động kêu gọi xúc tiến đầu tư để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thế nhưng, lĩnh vực kinh tế mang tính nền tảng, đã và đang mang lại thu nhập cho bà con và góp phần phát triển kinh tế địa phương là nông lâm nghiệp.
Qua hơn 05 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Ba Tơ đã có những chuyển biến cơ bản; cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng; nhiều chương trình, dự án, phương án gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị tiếp tục được xây dựng và triển khai, cơ giới hóa trong nông nghiệp được đẩy mạnh, lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa... tạo nguồn thu nhập bền vững cho nông dân.
Ông Phan Quang Đức, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển huyện Ba Tơ cho biết, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhằm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nâng cao giá trị sản xuất của ngành Nông nghiệp. Nhờ đó, đến cuối năm 2017, sản lượng lương thực của huyện đạt trên 29.500 tấn, tăng 4.500 tấn so với năm 2013. Sản lượng cây lấy bột đạt gần 11.000 tấn. Huyện cũng đã chuyển đổi gần 220ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn, đạt giá trị bình quân trên 32 triệu đồng/ha.
Trong chăn nuôi, huyện hình thành được 8 trang trại quy mô vừa, hoạt động có hiệu quả, giá trị sản lượng hàng hóa đạt 1 tỷ đồng/năm. Tổng đàn gia súc gần 58.000 con, đàn gia cầm đạt 127.000 con...; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt gần 3.200 tấn. Về lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích đất rừng trên 96.800ha, độ che phủ rừng đạt trên 71% so với năm 2013. Bên cạnh đó, những năm qua, huyện Ba Tơ cũng chủ động phát huy lợi thế về sông, hồ để phát triển nuôi trồng thủy sản. Đến nay, các hồ Tôn Dung, Suối Loa, Núi Ngang... đều được giao cho các nhóm hộ, chủ hộ nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế gia đình.
Cũng theo ông Đức, huyện tận dụng tối đa nguồn vốn 30a, 135 để triển khai một số mô hình trồng cây gỗ lớn, cây mây, sa nhân tím dưới tán rừng và một số cây bản địa như huỳnh đàn, chuối, mít, thơm... ở các xã Ba Động, Ba Lế, Ba Nam. Hy vọng rằng với những mô hình kinh tế, xã hội sẽ tiếp tục làm tiền đề vững chắc để người dân Ba Tơ tiếp tục xung kích đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu.
Từ làng trên xóm dưới, bà con ai cũng phấn khởi vì làng mình, xã mình được công nhận là ATK. Ai nấy cũng đều hy vọng trên những con đường mòn ngày xưa quân và dân ta tải đạn, vận chuyển lương thực phục vụ cho cách mạng rồi đây sẽ được xây dựng to đẹp hơn...”. (Bà Phạm Thị Thiêu, ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành)
LÊ PHƯƠNG