Nơi đa số là hộ nghèo
Đơn cử như thôn Quế có 89 hộ đều là hộ nghèo. Cơ sở vật chất như nhà văn hóa thôn vẫn chưa có, trạm y tế xã lại ở xa, đường sá vẫn còn ngổn ngang đất đá. Người dân ở đây sống nhờ cây quế, nhưng vì phương thức sản xuất còn lạc hậu, bao đời nay, cái nghèo cứ dai dẳng bám riết lấy họ.
Thôn Quế đã nghèo, thôn Tang lại càng nghèo hơn. Ông Hồ Duy Phú, Bí thư Đảng ủy xã Trà Bùi cho hay: Thôn Tang là vùng đất nhiều không: không điện quốc gia, không đường, không trạm y tế… Muốn vào thôn Tang phải mất 2 giờ đi rừng, phụ nữ yếu sức phải đi đến 3-4 giờ. Mùa mưa, thôn bị cô lập do sạt lở núi. Người dân nơi đây sống bằng nương rẫy, có vài hộ trồng keo nhưng vì không thể vận chuyển ra khỏi rừng nên cũng dần ít người trồng, cả thôn có 65 hộ thì 100% hộ nghèo.
Thuộc diện khá ở xã là thôn Nước Nia, nhờ nằm trên quả núi Tà Nghi, địa hình bằng phẳng, dễ vận chuyển nên người dân trồng được cây keo, mì, lúa rẫy..., đời sống ổn định hơn. Ông Hồ Văn Nguyên, Trưởng thôn Nước Nia, cho biết: “Thôn có 87 hộ, 358 nhân khẩu thì có được 38 nhà xây dựng kiên cố bằng xi măng, 27ha quế, hơn 40ha keo rừng, có đường giao thông thuận lợi, nhờ đó đã có… 5 hộ thoát nghèo”.
Anh Hồ Hoàng, người dân ở thôn Nước Nia cho biết: Gần đây, cây quế được đưa về trồng ở thôn Nước Nia nhưng cũng phải chờ 10-20 năm mới thu hoạch. Làng có ruộng lúa nước nhưng đã bỏ hoang nhiều năm. Thu nhập cả gia đình chỉ trông chờ vào 4.000 gốc keo, còn cây quế thì mới trồng 2.000 cây, còn lâu nữa mới có thu hoạch.
Triển vọng cây “đặc sản” trên núi Cà Đam
Theo ông Hồ Văn Tạo, Trưởng thôn Quế, ở núi Cà Đam có một số loại cây “đặc sản” bản địa có giá trị kinh tế cao. Như mới đây, người dân phát hiện loại tỏi Cà Đam, mọc trên đất ẩm, đường kính 5-10cm, mỗi củ ra 3-4 tép, khi ăn có vị chát, hình dáng giống với tỏi dưới xuôi, thương lái mua rất nhiều. Nếu được quy hoạch và khai thác bài bản sẽ mang lại cho dân nguồn thu nhập đáng kể.
Ngoài quế, tỏi Cà Đam, ở đây, thiên nhiên còn ưu ái mang đến cho người dân loài sâm 7 lá quý hiếm, củ sâm nặng 1,3 - 1,5kg. Những năm 2011, khi thương lái biết đến loại sâm này đã lên tận thôn bản tìm mua, trai làng ngày đêm lên núi kiếm củ sâm về bán.
“Hồi đó, giá 200.000 đồng/kg, nhưng rồi sâm ngày càng hiếm, bây giờ người ta mua với giá 500.000 đồng/kg nhưng làng tìm không ra nữa, phải lên tận gần đỉnh núi mới mong tìm thấy”, ông Hồ Văn Tạo cho biết thêm.
Trước những khó khăn của người dân Trà Bùi, thời gian gần đây, các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, từ xây dựng đường sá, trường học đến hỗ trợ giống cây trồng để bà con phát triển kinh tế.
Đặc biệt, huyện Trà Bồng đã đầu tư phát triển cây quế, cây tỏi và một số cây đặc sản khác, đồng thời hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật, thay đổi tập quán sản xuất làm cho những thôn làng ở núi Cà Đam thay da đổi thịt.
Ông Trần Ngọc Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ: Trong những năm qua, cả hệ thống chính trị của huyện, tỉnh đã vạch ra nhiều kế hoạch để giúp người dân Cà Đam thoát nghèo. Các cán bộ huyện thường xuyên xuống xem xét tình hình sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân. Ngoài ra, huyện Trà Bồng đề xuất làm đề tài khoa học, nghiên cứu đặc điểm sâm 7 lá, với hy vọng nhân giống thành công.
Khó khăn nhất ở xã Trà Bùi là đường giao thông nối các thôn làng và trung tâm xã vẫn chưa thông thương. Theo ông Hồ Duy Phú, Bí thư Đảng ủy xã Trà Bùi: Thu nhập của người dân tuy chưa cao, nhưng đã có những tín hiệu lạc quan. Bà con mong muốn nhất là có đường giao thông thuận lợi để đi lại.
“Hiện, tuyến đường từ thôn Nước Nia đi thôn Quế dài 4,5km đang được hoàn thành, còn tuyến đường thôn Quế đến trung tâm xã dài 30km vẫn là điều mơ ước. Ngoài ra, để cải thiện đời sống người dân, thôn Tang rất cần có một con đường băng qua rừng để bà con đi rẫy, học sinh đến trường đỡ khổ”, ông Phú chia sẻ thêm.
THÀNH NHÂN