Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Triển vọng mới cho nghề dệt của người Pa cô, Vân Kiều

PV - 11:29, 29/05/2019

Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, mang đậm nét văn hóa của đồng bào Pa cô, Vân Kiều thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Sau một thời gian dài tưởng như đã mai một, nhờ sự vào cuộc kịp thời từ các cấp chính quyền, đặc biệt là vai trò của các nghệ nhân mà nghề dệt thổ cẩm đang dần hồi sinh và ngày càng phát triển.

Sự kiên trì của một nghệ nhân

Tại bản Pa Nho, khối 6, thị trấn Khe Sanh, nghệ nhân Hồ Văn Hồi vẫn âm thầm ngày đêm miệt mài bên khung cửi nhằm gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.

Nghệ nhân Hồ Văn Hồi bên khung dệt truyền thống của người Pa cô, Vân Kiều. Nghệ nhân Hồ Văn Hồi bên khung dệt truyền thống của người Pa cô, Vân Kiều.

“Tôi làm khoảng một tuần là có thể hoàn thiện một bộ áo quần thổ cẩm từ công đoạn dệt vải đến cắt may bằng tay. Vừa học nghề dệt thổ cẩm, tôi còn tìm hiểu thêm về cách sử dụng trang phục của đồng bào dân tộc Vân Kiều ngày xưa. Hồi xưa, muốn dệt áo, quần, khố, váy, người dân phải vào rừng, tìm cây rừng về xe sợi để dệt vải. Bây giờ, bà con dùng sợi tổng hợp bán ở chợ để dệt nên không cần phải vào rừng nữa”, nghệ nhân Hồ Văn Hồi tâm sự.

Theo nghệ nhân Hồi, để dệt một tấm thổ cẩm đẹp, người nghệ nhân cần có sự tỉ mỉ, cần cù, tư thế ngồi song song với khung dệt, chân phải đạp mạnh, tay chắc để cho tấm vải bền và cứng. Ngoài ra, tùy năng khiếu, sở thích của từng người, mỗi tấm thổ cẩm có nét hoa văn riêng.

Hiện nay, nghệ nhân Hồi không chỉ dệt thổ cẩm phục vụ cho các thành viên trong gia đình mà còn dệt thổ cẩm để bán cho người dân… Thông thường mỗi một bộ quần áo giá có bán từ 400-1.000.000 đồng. Giá trị kinh tế của một bộ thổ cẩm không cao, nhưng vì lòng yêu nghề truyền thống, nghệ nhân Hồi vẫn kiên trì bám khung cửi, sẵn sàng truyền dạy cho con, em ở trong bản làng gìn giữ.

Đến bây giờ, tiếng tăm về nghề dệt thổ cẩm của nghệ nhân Hồ Văn Hồi đã vang xa tận nhiều bản làng của huyện Hướng Hóa, Đăkrông. Nhiều bản làng đã mời nghệ nhân về truyền dạy nghề dệt thổ cẩm như bản Xà Ta, xã Tà Long, bản Klu, xã Đăkrông, huyện Đăkrông; bản Mới, xã Hướng Linh, bản Trằm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa… Nhiều học trò của nghệ nhân Hồ Văn Hồi đến nay đã trở thành nghệ nhân có tiếng trong vùng.

Để thổ cẩm vươn xa

Đến với gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống của tỉnh Quảng Trị trong Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các DTTS vùng biên giới Việt Nam-Lào năm 2019 diễn ra trong tháng Năm vừa qua, các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Pacô, Vân Kiều đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Tại đây, du khách được chứng kiến các nghệ nhân tạo ra một tấm thổ cẩm từ khung cửi, từ đó giúp người xem cảm nhận được giá trị văn hóa đặc sắc của các sản phẩm thổ cẩm.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu nghề dệt của tỉnh Quảng Trị tại Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các DTTS vùng biên giới Việt Nam- Lào năm 2019. Gian hàng trưng bày, giới thiệu nghề dệt của tỉnh Quảng Trị tại Ngày hội Giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các DTTS vùng biên giới Việt Nam- Lào năm 2019.

Hiện nay, những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào Pa cô, Vân Kiều đã xuất hiện nhiều trong các hội chợ trong và ngoài nước. Có được kết quả đó chính là nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương.

Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăkrông cho biết, nghề dệt thổ cẩm được xem là nghề truyền thống bao đời của bà con. Để bảo vệ, giữ gìn nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, chính quyền địa phương đã kêu gọi các tổ chức, dự án nước ngoài quan tâm, hỗ trợ để phát huy, khai thác các tiềm năng, lợi thế có sẵn của nghề. Nhờ vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương ngày càng phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho nhiều phụ nữ, mang lại nguồn thu nhập cho người dân, đảm bảo cuộc sống ổn định, lâu dài cho bà con…

Tuy nhiên để các sản phẩm dệt thổ cẩm đến tay du khách nhiều hơn thì chính quyền địa phương cần phải có những giải pháp dài hơi hơn nữa như: thành lập hợp tác xã, tổ chức các ngày hội văn hóa tại xã, huyện, tỉnh… Việc đào tạo nâng cao chất lượng tay nghề, cũng như quảng bá hình ảnh và tìm đầu ra cho sản phẩm cũng là một việc làm quan trọng trong việc đảm bảo chỗ đứng lâu dài cho các nghề truyền thống của đồng bào.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.