Người quản lý dự án “Thời trang châu Phi”, bà Elisabeth Murray cho biết, Triển lãm sẽ cung cấp một góc nhìn về thời trang châu Phi. Bà nói: “Chúng tôi muốn tôn vinh nền thời trang tuyệt vời của châu Phi ngày nay, cũng như sự sáng tạo của tất cả các nhà thiết kế, nhà tạo mẫu, nhiếp ảnh gia, đồng thời tìm hiểu nguồn cảm hứng đằng sau đó”.
Triển lãm cũng trưng bày các vật liệu, bản phác họa, ảnh chụp và các thước phim trên khắp châu lục, từ những năm 1950 – 1980 cho đến các nhà thiết kế đương đại. Theo bà Christine Checinska, một thành viên cấp cao trong Ban tổ chức sự kiện trên, đây là “một phần cam kết của V&A nêu bật những di sản sáng tạo của châu Phi”.
Bảo tàng V&A được thành lập năm 1852, khi nước Anh dưới sự lãnh đạo của Nữ hoàng Victoria mở rộng đế chế ra toàn cầu, bao gồm cả châu Phi những thập kỷ sau đó.
Bà Checinska cho biết, sự sáng tạo của châu Phi “lâu nay bị lãng quên hoặc không được trưng bày xứng đáng tại viện bảo tàng, do sự chia rẽ mang tính lịch sử giữa các bảo tàng nghệ thuật và dân tộc học xuất phát từ quá khứ thực dân”. Bà nhấn mạnh những cuộc trao đổi và phối hợp dẫn tới việc tổ chức cuộc triển lãm Thời trang châu Phi chính là một phép thử cho các cách thức mới bình đẳng trong việc cộng tác với nhau.
Triển lãm có một khu mang chủ đề “Thời phục hưng văn hóa châu Phi”, trong đó có các tấm áp phích và ấn phẩm từ các phong trào độc lập bên cạnh phần trưng bày thời trang. Một điểm nhấn của triển lãm là tác phẩm trưng bày ở trung tâm, do nhà thiết kế Artsi người Maroc làm riêng cho triển lãm. Tác phẩm lấy cảm hứng từ chiếc áo choàng của người Anh và chiếc khăn hijab của người Hồi giáo, nhằm “giới thiệu châu Phi tại nước Anh”. Nhà thiết kế Artsi nhấn mạnh vẻ đẹp của Thời trang châu Phi “không đến từ quần áo được thương mại hóa, mà từ di sản và tôn vinh nền văn hóa”.