Một quốc gia bị ảnh hưởng bởi bất bình đẳng giới
Burundi nằm ở phía Đông của châu Phi, trong khu vực Hồ Lớn, với dân số khoảng 12 triệu người. Burundi là một trong những quốc gia nhỏ nhất ở châu Phi. Đất nước này không giáp biển và được bao quanh bởi Cộng hòa Dân chủ Congo ở phía Tây, Rwanda ở phía Bắc và Tanzania ở phía Đông và Nam. Quốc gia này có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm với thủ đô là Gitega, thành phố lớn thứ hai ở Burundi.
Đây cũng là một quốc gia bị ảnh hưởng bởi bất bình đẳng giới khá sâu sắc. Nguyên nhân phần lớn đến từ các truyền thống và phong tục phân biệt đối xử với phụ nữ trong xã hội, dẫn đến việc phụ nữ trở thành nạn nhân của nhiều hình thức bạo lực.
Theo nghiên cứu của Impunity Watch - một tổ chức nhân quyền quốc tế, cho thấy tại Burundi, 97% nạn nhân của bạo lực là phụ nữ.
Có thể thấy sự phân biệt đối xử này đối với phụ nữ, chẳng hạn trong quyền sở hữu, thừa kế. Nơi đây hầu hết phụ nữ đều không có quyền thừa kế đất đai. Hay xoay quanh vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội, người phụ nữ cũng không được thể hiện mình, đến mức không được phát ngôn trước sự chứng kiến của một người đàn ông.
Thay đổi nhận thức
Ngày nay, nhiều người Burundi đã nhận thức được sự phân biệt đối xử này và cam kết đấu tranh chống bất bình đẳng giới để gắn kết xã hội tốt hơn. Ngày càng có nhiều phụ nữ Burundi vượt qua những rào cản văn hóa nhất định, trở thành những người lãnh đạo và có uy tín nhiều hơn trong xã hội.
Leocadie là một nhà lãnh đạo trên nhiều phương diện. Bà vừa là một nông dân, một người vợ, một người mẹ có 8 đứa con và 20 đứa cháu. Tuy nhiên, trong phần lớn cuộc đời mình, Leocadie nói rằng, phụ nữ không được hoan nghênh vào các vai trò lãnh đạo trong cộng đồng, cũng như họ không được trao quyền để quyết định bất cứ việc gì trong gia đình.
Mọi việc dần thay đổi vào năm 2010, khi World Relief (Tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo), triển khai một chương trình tiết kiệm trong cộng đồng và mời những người phụ nữ như bà lãnh đạo.
“Tôi coi đó như một đặc ân. Tôi được truyền cảm hứng từ những hoạt động mà Tổ chức Cứu trợ Thế giới đang tiến hành. Tôi xem chúng như một cách để giúp đỡ những người khó khăn trong cộng đồng”, Leocadie cho biết.
Trong 11 năm tiếp theo, Leocadie tiếp tục làm việc như một nhà lãnh đạo. Khi World Relief triển khai chương trình nông nghiệp trong cộng đồng của mình, bà cũng đã tăng cường tham gia hoạt động trong lĩnh vực này. Trong khi những tiến bộ về kinh tế mà bà và các cộng sự đạt được nhờ áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp mới, cũng như việc quản lý tài chính tốt hơn, thì sự chuyển biến trong cộng đồng nơi đây về “bình đẳng giới" cũng đáng chú ý không kém.
"Trước đây, phụ nữ phải ở nhà và chăm sóc gia đình, thời gian của họ chủ yếu dành cho việc bếp núc. Còn bây giờ, họ có quyền tham gia hầu hết các quyết định, từ cấp độ gia đình đến xã hội. Tôi rất vui khi thấy mình được cả phụ nữ và nam giới tôn trọng. Họ lắng nghe tôi vì họ nhìn thấy tác động của những gì tôi đang làm”, bà cho biết thêm.