Hội họa Việt Nam đã có rất nhiều danh họa Việt Nam vẽ Kiều, đó là những tài năng: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân... Và các tác phẩm của họ hoàn toàn có khả năng diễn tả được những tư duy và tình cảm sâu sắc.
Nhưng với Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã có hơn 20 năm nghiên cứu và tìm tòi sáng tạo, họa sĩ trẻ Nguyễn Tuấn Sơn đã “dấn thân” vào đề tài này với cái nhìn và cách vẽ rất đặc biệt. Các tác phẩm của anh không chỉ minh họa tác phẩm Truyện Kiều mà là vẽ theo xúc cảm, cảm hứng, những nét vẽ trừu tượng khiến người xem tranh phải soi kỹ nhiều lần, khám phá từng đường nét của bức họa và không ngừng tưởng tượng.
Với 96 tác phẩm được trưng bày, Triển lãm cũng là kết tinh hơn 20 năm theo đuổi nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo với các nhân vật Truyện Kiều của họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, hay còn được biết đến với nghệ danh “Sơn Kiều”.
Cách hiểu của Nguyễn Tuấn Sơn về Truyện Kiều qua các bức tranh của anh là một nhận thức mới, hiện đại, tránh được những áp đặt trong quá khứ (như các thiên kiến về Thúy Kiều - một kỹ nữ, Hoạn Thư - người đàn bà độc ác, ghen tuông, Thúc Sinh - kẻ trác táng, hèn nhát, Kim Trọng - gã thư sinh vô dụng, Đạm Tiên - hồn ma đáng sợ…).
Các bức tranh của anh đem lại cho người thưởng lãm những giá trị nhân văn mới từ góc nhìn hội họa, khiến họ thay đổi ít nhiều cách nghĩ quen thuộc về các nhân vật trong Truyện Kiều, nhìn ngắm họ từ nhiều khuôn mặt của cuộc đời, thêm những nỗi cảm thông với những thân phận bị cuộc đời hắt hủi, đày đọa.
Tranh Kiều của Nguyễn Tuấn Sơn còn là sự kết hợp giữa hội họa phương Tây và những giá trị mỹ thuật dân tộc. Chúng ta thấy ẩn hiện trong những nét màu rất mạnh và rất sắc của anh là những đường nét của điêu khắc đình làng, của mỹ thuật chùa chiền và màu sắc của các lễ hội; thấp thoáng đâu đó hình dáng của các nhân vật trong các vở chèo, vở tuồng truyền thống… Đây là một sự kết hợp mang màu sắc dân tộc mà Nguyễn Tuấn Sơn rất tâm đắc.