Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nghệ nhân người Dao duy nhất ở Tuyên Quang vẽ được tranh thờ

Giang Lam - 11:23, 25/09/2020

Nghệ nhân Dân gian Lê Hải Thanh, thôn Đá Bàn 1, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) được coi là họa sĩ của dân tộc Dao bởi ông là một trong số ít những thầy cúng biết vẽ tranh thờ. Nhiều năm qua, người Dao ở Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ… đều tìm đến nhờ ông vẽ bộ tranh để đặt trang trọng lên bàn thờ.

Nghệ nhân Dân gian Lê Hải Thanh phơi tranh thờ sau khi vẽ
Nghệ nhân Dân gian Lê Hải Thanh phơi tranh thờ sau khi vẽ

Từ quan niệm mang màu sắc tâm linh

Đến thôn Đá Bàn 1, nhắc đến thầy cúng Lê Hải Thanh những người già đều biết về ông. Từ khi lên 12 tuổi, ông đã say mê học chữ Nôm Dao, vẽ tranh thờ. Ông tận dụng mọi lúc, mọi nơi để luyện từng nét chữ, nét vẽ. Nhờ đó, năm 25 tuổi, ông Lê Hải Thanh đã là một thầy cúng trẻ thành thạo chữ nghĩa và vẽ được những bộ tranh khó nhất.

Nhưng với ông, để trở thành thầy vẽ tranh là cả một quá trình vừa học vừa rèn luyện không biết mệt mỏi. Ông bày tỏ, chính sự tôn nghiêm của tranh thờ nên ngay từ khi vào nghề, ông luôn cố gắng trau dồi tu dưỡng bản thân để xứng với công việc cao quý này. Theo quan niệm người Dao, các bức tranh là hiện thân của các thần linh, việc tái hiện hình ảnh các vị thần là việc làm cẩn trọng, linh thiêng. Quá trình vẽ phải tuân thủ nhiều quy tắc cũng như những kiêng cữ về mặt tâm linh khá đặc biệt.

Theo tục lệ, thời điểm vẽ thường vào tiết trời mùa Thu, mùa Xuân, người Dao phải xem ngày đẹp trước khi vẽ tranh. Ông Lê Hải Thanh cho biết, đích thân ông chọn ngày đẹp, ngày phát tài, tránh ngày “trời phạt” (ngày giỗ ông, bà, bố, mẹ). Trước khi vẽ tranh phải xin phép tổ tiên, các vị thần chứng giám, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện.

Đến thông điệp trong mỗi bức tranh

Để vẽ tranh thờ, người Dao pha chế 5 màu (xanh, đỏ, tím, vàng, trắng) thành 12 màu theo độ đậm nhạt khác nhau. Mỗi màu mang ý nghĩa riêng: Màu đỏ là màu chủ đạo, tượng trưng cho sức mạnh và cái đẹp cùng niềm vui trong cuộc sống; màu vàng tượng trưng sự uy nghi, quyền lực; màu tím để thể hiện những nét vẽ linh thiêng, huyền bí đầy quyền năng; màu xanh là biểu tượng sự hài hòa, nảy nở, sinh sôi phát triển trong thế giới tâm linh…

Theo ông Lê Hải Thanh thì tranh thờ của người Dao (nhóm Dao Quần trắng) có 2 loại: Tranh mặt nạ và các bộ tranh truyền thần. Tranh mặt nạ vẽ diện mạo của các vị thần, chỉ dùng thực hành trong nghi lễ cấp sắc Tam Nguyên. Các thầy cúng, đệ tử… treo vào mặt, vào trán để thần thánh chứng giám.

Còn bộ tranh truyền thần gồm 11 bức tranh, được sử dụng trong hầu hết các nghi lễ người Dao như: Cấp sắc Tam Nguyên, Tam Bảo, đám chay, đám ma, cầm đầu ma… Dòng tranh này có bố cục lạ, hẹp, dài, với dày đặc các nhân vật thần linh. Nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, còn các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản, kích thước nhỏ.

Mỗi bức tranh có nét vẽ riêng tái hiện thần thái của các vị thần. Ví dụ như sắc mặt hiền lành, từ bi của Quan Thế Âm Bồ Tát; sắc mặt điềm đạm, đôn hậu, bao dung của Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên; nét nghiêm nghị, hung dữ của Triệu Nguyên Soái, Đặng Nguyên Soái, Mã Nguyên Soái, Quan Nguyên Soái…

Bên cạnh chứa đựng nét tâm linh về mặt thờ cúng thì tranh thờ người Dao còn mang giá trị giáo dục đầy tính nhân văn. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tống Đại Hồng cho rằng, nhìn vào mỗi bức tranh có thể thức tỉnh tâm hồn con người. Bởi người Dao cho rằng, các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc và sẵn sàng phạt người nào làm việc ác.

Hiện nay, trong cộng đồng người Dao ở Tuyên Quang chỉ còn duy nhất Nghệ nhân Dân gian Lê Hải Thanh còn vẽ được tranh thờ. Ông Hải Thanh bày tỏ, điều ông luôn mong muốn đó là được truyền nghề cho thế hệ sau. Ông luôn tâm niệm rằng, tranh thờ là một báu vật của người Dao, ai cũng phải có trách nhiệm gìn giữ và lưu truyền đến muôn đời sau để văn hóa Dao luôn trường tồn theo thời gian.

                                                                              

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.