Đây là 1 trong 3 hội nghị quan trọng của Ban Chỉ đạo trong năm nay, tập trung vào những vấn đề then chốt trong xây dựng nông thôn mới từ nay tới năm 2020, cùng với hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Bắc Giang vừa qua và sắp tới là hội nghị ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới tổ chức tại Vĩnh Phúc.
Nhiều thôn, bản, ấp chưa được hưởng lợi từ xây dựng nông thôn mới
Sau 8 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế-xã hội được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất mới đem lại thu nhập cao, đời sống nhân dân nông thôn được cải thiện. Đến tháng 7/2018, cả nước có 3.370 xã (chiếm 37,76% tổng số xã của cả nước) được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, có 53 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, cả nước vẫn còn 1.922 xã đạt dưới 10 tiêu chí, trong số này có khoảng 363 xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt dưới 10 tiêu chí (trong đó có 52 xã dưới 5 tiêu chí). Những tiêu chí chưa đạt hầu hết là những tiêu chí quan trọng phản ánh thực trạng cơ sở hạ tầng thiết yếu, chất lượng sống của người dân nông thôn như: Giao thông, điện, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường.
Tại một cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cuối năm 2015, một cán bộ Uỷ ban Dân tộc cho biết: “Một xã ở huyện miền núi Võ Nhai (Thái Nguyên) có chiều dài tới 10 km, dân cư thưa thớt, chỉ vài nóc nhà trên lưng đồi thì cũng khó xây dựng được xã nông thôn mới”
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, mặc dù được ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí nhưng đầu tư trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nặng tính phân bổ bình quân, dàn đều, hầu hết tập trung vào các công trình cấp xã nhưng do thiếu vốn nên các công trình đầu tư manh mún, thiếu hiệu quả. Nhiều công trình dở dang nên không thể đưa vào sử dụng và phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều thôn, bản khó khăn, hẻo lánh vùng xa, vùng cao hầu như chưa được hưởng lợi từ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chính vì vậy, thu nhập của người dân còn rất thấp (nhiều xã đạt bình quân 7-8 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/4 bình quân cả nước), thiếu mô hình sản xuất bền vững, chưa phát huy được nội lực và điều kiện đặc thù tại chỗ, thiếu tính kết nối thành các vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi.
Do vậy, xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản, ấp là cách thức tiếp cận mới, sáng tạo của của nhiều tỉnh như Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế mà địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trải rộng, lại có địa hình chia cắt, phức tạp.
Thay vì tập trung đầu tư để hình thành các xã nông thôn mới ở vùng cao, các địa phương trên đã chuyển hướng đầu tư cho các thôn, bản, ấp đạt các tiêu chí cơ bản của nông thôn mới, trực tiếp tác động tới sinh hoạt, đời sống của từng hộ gia đình ở các bản, ấp. Thanh Hoá là tỉnh đầu tiên của cả nước đã ban hành được bộ tiêu chí riêng của tỉnh về thôn, bản nông thôn mới.
Tới năm 2020 có ít nhất 50% thôn, bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Từ thực tiễn địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, địa phương xây dựng Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020”, tập trung cho các xã đang đạt dưới 10 tiêu chí.
Theo ông Trần Thanh Nam, Đề án sẽ hỗ trợ cho khoảng 3.500 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của 35 tỉnh, trong đó có 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu của Đề án là góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào năm 2020.
Cụ thể, tại các xã thuộc phạm vi đề án, tỉ lệ hộ nghèo giảm ít nhất từ 3-4% bình quân hàng năm, thu nhập của người dân tại các xã thuộc phạm vi Đề án tăng ít nhất 1,6-1,8 lần so với năm 2015.
Các thôn, bản, ấp đạt được các mục tiêu: Có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu hoặc mô hình phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, mô hình mỗi làng một sản phẩm; cơ bản hoàn thành một số công trình hạ tầng thiết yếu cấp thôn, bản phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân; phấn đấu 50% thôn, bản ấp trong phạm vi Đề án được công nhận hoàn thành tiêu chí nông thôn mới cấp thôn, bản do UBND nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Để hoàn thành các chỉ tiêu, Đề án xác định dành 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển trích từ tổng số 10% vốn dự phòng của chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 cho các tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi hỗ trợ của Đề án.
Vốn phân bổ hằng năm của Trung ương cho các địa phương theo hệ số ưu tiên để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu, ngân sách địa phương, vốn tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam hỗ trợ cho vùng khó khăn,...
Đề án cũng đặt ra yêu cầu các nội dung được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương phải có sự tham gia đối ứng của cộng đồng bằng tài sản hoặc ngày công lao động trên nguyên tắc tự nguyện. Khuyến khích các địa phương áp dụng hình thức việc làm công để tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập khi tham gia ngày công lao động để thi công công trình.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ