Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Chi Lăng (Lạng Sơn): Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào DTTS (Bài 2)

Văn Hoa - 21:35, 21/08/2023

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-20230; giai đoạn 1: 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước thì sự chung sức của cộng đồng, tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên của người dân giữ một vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường

Chúng tôi có dịp cùng ông Hoàng Văn Phách, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy  đến thăm gia đình anh Vy Văn Minh - hộ nghèo của thôn Nà Pất được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 năm 2022. Đón chúng tôi trong căn nhà mới xây, rộng hơn 80 mét vuông, anh Minh phấn khởi kể: Bản thân anh bị tàn tật không có sức lao động, một mình vợ anh phải gồng gánh việc đồng áng và nuôi dạy, chăm sóc các con, phụng dưỡng mẹ già. Nguồn thu của gia đình chủ yếu dựa vào 4 sào ruộng và hơn 1 héc - ta cây công nghiệp, kinh tế gia đình cũng khó khăn nên chưa bao giờ anh nghĩ mình có thể xây dựng được một căn nhà khang trang thế này.

Anh Minh chia sẻ, khi được thông báo nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà và còn được vay thêm tối đa 100 triệu từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh đã bàn với vợ quyết định xây nhà. Ngoài số tiền trên, gia đình anh đã vay mượn thêm anh em họ hàng. Trong quá trình làm nhà, người giúp công, người giúp sức, người giúp vật liệu đến khi hoàn thành, ngôi nhà có  trị giá hơn 300 triệu đồng. 

"Có nhà mới, giờ đây, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ chuyên tâm làm ăn, phát triển kinh tế để hoàn lại số tiền vay của bà con, họ hàng cho mượn làm nhà và hi vọng rằng, gia đình anh cũng sẽ sớm thoát được nghèo" - Anh Minh phấn chấn nói với chúng tôi.

Niềm vui của anh Vy Văn Minh (ở giữa) khi đón khách thăm căn nhà mới của gia đình
Niềm vui của anh Vy Văn Minh (ở giữa) khi đón khách thăm căn nhà mới của gia đình

Trở lại trụ sở UBND xã Vân Thủy, chúng tôi gặp bà Vi Thị Chỏi, dân tộc Nùng, sinh năm 1971, thôn Nà Pất khi bà tham dự buổi tuyên truyền trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS. Trò chuyện với chúng tôi, bà bảo, hôm nay rất phấn khởi vì được cán bộ xã thông báo gia đình tôi sẽ được Nhà nước hỗ trợ làm nhà.

Bà Chỏi kể, gia đình bà có 4 người, cả hai vợ chồng đều đau ốm, bệnh tật; kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng cấy và chăn nuôi thêm con lợn, con gà. Mấy năm vừa qua, vì dịch bệnh lợn bị chết, gia đình đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.

Khi biết tin hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, gia đình tôi phấn khởi lắm, “đau bụng không ai thấy, áo rách ai cũng thấy”, nên căn nhà rất quan trọng. Hơn nữa, con trai, con gái tôi cũng đã đến tuổi lúc lập gia đình, không có căn nhà tử tế, khang trang thì cũng ngại lắm. Gia đình dự kiến sẽ làm căn nhà khoảng hơn 80 mét vuông, tới đây, gia đình cũng được hỗ trợ thêm téc nước. Khi có nhà sẽ cố gắng bảo ban nhau làm ăn để thoát nghèo- Bà Chỏi nói.

Để xây dựng được 1 ngôi nhà cấp bốn đảm bảo 3 cứng và đủ diện tích phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc địa phương ở địa bàn vùng núi thì cần tối thiểu từ 200 triệu đến 300 triệu mới làm được. Với mức hỗ trợ về nhà ở là 40 triệu cho 1 hộ thì nhiều hộ có nhu cầu và đúng đối tượng nhưng không có kinh phí đối ứng nên sẽ không thể tham gia được. Do vậy, bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, tinh thần đại đoàn kết, giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể, bà con hàng xóm là vô cùng quan trọng.

Bà Vi Thị Chỏi, thôn Nà Pất, huyện Vân Thủy cũng thuộc diện được hỗ trợ làm nhà ở từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719
Bà Vi Thị Chỏi, thôn Nà Pất, huyện Vân Thủy cũng thuộc diện được hỗ trợ làm nhà ở từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719

Kịp thời gỡ vướng trong giải ngân

Ông Hoàng Văn Phách, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vân Thủy cho biết: Trong năm 2022, xã Vân Thủy đã thực hiện giải ngân nguồn vốn trung ương cho 2 hộ thực hiện xây mới nhà ở với tổng số tiền 80 triệu đồng. Đợt 1 năm 2023 hỗ trợ  7 hộ, đều khởi công xây dựng trong năm nay.

Bí thư Hoàng Văn Phách nhấn mạnh, với các nội dung hỗ trợ nhà ở, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền và thực hiện theo nguyên tắc "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", trong đó các hộ tự xây dựng là chính, nhà nước chỉ hỗ trợ thêm.

Theo báo cáo của UBND huyện Chi Lăng, thực hiện việc hỗ trợ nhà ở thuộc nội dung số 2, Dự án 1, năm 2022, tổng vốn kế hoạch giao huyện Chi Lăng là 880 triệu đồng, huyện đã thực hiện hỗ trợ 40 nhà xây mới. Tuy nhiên, do nguồn vốn được phân bổ muộn nên đến 31/12/2022, UBND huyện chưa thực hiện giải ngân được mà phải chuyển nguồn sang năm 2023 thực hiện.

Năm 2023, tổng kinh phí huyện Chi Lăng được giao là 3 tỷ 320 triệu đồng (bao gồm cả kinh phí năm 2022 chuyển sang 800 triệu đồng). Trong 6 tháng đầu năm 2023 đã thực hiện phê duyệt danh sách cho 62 hộ trên địa bàn các xã vùng III và thôn đặc biệt khó khăn, đạt 80,52%. Tuy nhiên mới thực hiện giải ngân được 800 triệu đồng nguồn năm 2022, các hộ thuộc nguồn vốn 2023 đang tiếp tục triển khai.

Căn nhà của anh Vi Văn Minh, thôn Nà Pất, xã Vân Thủy (Chi Lăng) trị giá 300 triệu đồng vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng
Căn nhà của anh Vi Văn Minh, thôn Nà Pất, xã Vân Thủy (Chi Lăng) trị giá 300 triệu đồng vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng

Lý giải về nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân, ông Nông Văn Tài, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội - Dân tộc huyện Chi Lăng cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân như: Trung ương, tỉnh phân bổ vốn muộn (15/7/2022 tỉnh phân bổ vốn cho các huyện); các bộ, ngành Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn chậm, nội dung hướng dẫn chưa đầy đủ, có những nội dung chưa đủ cơ sở để địa phương triển khai thực hiện nên phải chuyển vốn từ năm 2022 sang thực hiện vào năm 2023. 

Mặt khác, trong triển khai thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, nhiều hộ đủ tiêu chí nhưng lại không đủ điều kiện hỗ trợ vì đất ở chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mà muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh quy hoạch mất rất nhiều thời gian. Do đó, đối tượng thụ hưởng đã bị thu hẹp. 

Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2846/QĐ-UBND về việc điều chỉnh một số nội dung Quyết định số 5007/QĐ-UBND ngày 21/12/2022 của UBND huyện Chi Lăng về việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công và kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình MTQG năm 2023 huyện Chi Lăng. Nhờ đó, đối tượng hỗ trợ đã được mở rộng.

Ông Nông Văn Tài nhấn mạnh, trong quá trình giải ngân còn có nhiều vướng mắc, bất cập nhưng các cấp, các ngành huyện Chi Lăng đã và đang thực hiện tích cực, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo cho người nghèo sớm có nhà ở, ổn định cuộc sống.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.