Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Triển khai Chương trình MTQG 1719 ở Chi Lăng (Lạng Sơn) - Hiệu quả việc huy động nguồn lực xã hội (Bài 1)

Văn Hoa - 23:35, 19/08/2023

Xác định việc thực hiện thành công các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 sẽ tạo “luồng gió mới” giúp đồng bào DTTS huyện Chi Lăng vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, huyện Chi Lăng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm phát huy tinh thần tự cường, tự lực của Nhân dân; tích cực huy động các nguồn lực xã hội, với mục tiêu giảm 3% hộ nghèo mỗi năm.

Chương trình bán đấu giá na Chi Lăng huy động được gần 800 triệu cho công tác an sinh xã hội, xây cầu dân sinh tại các xã khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Chi Lăng
Chương trình bán đấu giá na Chi Lăng huy động được gần 800 triệu cho công tác an sinh xã hội, xây cầu dân sinh tại các xã khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Chi Lăng

Là địa phương chiếm tới 84% dân số là người DTTS, thiên tai xảy ra thường xuyên, đời sống của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, việc huy động các nguồn lực cộng đồng hạn chế, do đó, các cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng đã và đang tích cực huy động các nguồn lực xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Còn đó những khó khăn

Thời gian qua, huyện Chi Lăng đã nỗ lực thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, người nghèo, hộ cận cận nghèo. Nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng cần cù, chịu khó, và luôn có sự sáng tạo trong lao động sản xuất, đời sống Nhân dân từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, đời sống Nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022, toàn huyện có 1.643 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,53%, 1.397 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 7,26%.

Huyện Chi Lăng bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, sông suối, địa hình khá phức tạp, dốc dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam, độ dốc khá lớn, đặc biệt là các xã nằm ven khối núi Hữu Kiên. Dân cư phân bố tương đối thưa, mật độ dân số trung bình là 106 người/km², nhiều thôn, bản sinh sống phân tán thành nhiều nhóm hộ gia đình. Do đó, nhu cầu xây các cây cầu dân sinh tương đối lớn. Ngoài ra, huyện thường xảy ra thiên tai, lũ lụt, gây thiệt hại nghiêm trọng đến con người và tài sản của Nhân dân.

Bí thư Huyện ủy Chi Lăng thăm một số mô hình phát triển kinh tế tại địa phương
Bí thư Huyện ủy Chi Lăng thăm một số mô hình phát triển kinh tế tại địa phương

Như tại thôn Nà Canh, xã Bằng Mạc, các hộ dân và các em học sinh hàng ngày phải đi bộ đến trường, đi làm ruộng, làm nương rẫy hàng ngày qua suối. Vào mùa mưa khi nước suối dâng cao chia cắt con đường duy nhất dẫn đến khu vực sản xuất và những hộ dân quanh đây, do đó, người dân luôn mong mỏi có được cây cầu mới để việc đi lại được thuận tiện hơn.

Tại thôn Sao Hạ, xã Mai Sao, đến nay người dân vẫn còn nhớ như in cơn mưa lũ lịch sử ngày 10/5/2022 đã làm hư hỏng nặng nề cây cầu Khuổi Khòn. Cây cầu là con đường huyết mạch, nên khi cầu bị hư hại, người dân gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, cho con em đến trường, vào những ngày mưa lũ, người dân luôn lắng vì bị cô lập. Được biết, cây cầu Khuổi Khòn mới được đầu tư nâng cấp, sửa chữa năm 2020, hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2021.

Cùng ngày 10/5, cơn mưa lũ lịch sử làm hư hỏng cuốn trôi, sập toàn bộ cây cầu Ké, thôn Đông Mồ, xã Quan Sơn khiến việc đi lại của hơn 120 hộ dân trong thôn và người dân các thôn lân cận gặp nhiều khó khăn. Nhân dân đã tự làm cây cầu tạm bằng gỗ để đi lại, tuy nhiên rất nguy hiểm khi các cháu học sinh còn nhỏ đi học.

Thực trạng những cây cầu dân sinh ở các thôn, làng phần nào nói lên được vô vàn những khó khăn của người dân các dân tộc huyện Chi Lăng đang hàng ngày gặp phải. Để giải quyết được những khó khăn đó, với một huyện miền núi như Chi Lăng, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước thì việc huy động các nguồn lực xã hội có vai trò quan trọng và hiện nay, huyện Chi Lăng đã và đang thực hiện rất tốt vấn đề trên.

Nhiều hình thức huy động nguồn lực xã hội hiệu quả

Nhìn vào chương trình “Quảng bá, tiêu thụ Na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng năm 2023” vừa được huyện Chi Lăng tổ chức ngày 19/8 mới thấy, hiệu quả việc huy động nguồn lực xã hội vô cùng lớn. Tại Chương trình, chỉ 6 quả na đặc sản được đấu giá đã thu về được 770 triệu; huy động các tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 112 triệu đồng cho việc xây cầu dân sinh tại các xã khó khăn, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Với số tiền trên, cùng với việc huy động nguồn lực trong Nhân dân (ngày công, giải phòng mặt bằng…) huyện Chi Lăng sẽ xây dựng 5 cây cầu dân sinh và 2 Ngôi nhà hạnh phúc cho em Lương Thị Ngọc Huyên, xã Y Tịch và em Vi Cao Khang, xã Thượng Cường.

Công an huyện Chi Lăng và đại diện lãnh đạo Phòng khám Đa khoa Quốc tế Ngọc Lan - Lạng Sơn trao tiền hỗ trợ xây bể bơi cho lãnh đạo xã Bằng Hữu. (Ảnh TL)
Công an huyện Chi Lăng và đại diện lãnh đạo Phòng khám Đa khoa Quốc tế Ngọc Lan - Lạng Sơn trao tiền hỗ trợ xây bể bơi cho lãnh đạo xã Bằng Hữu. (Ảnh TL)

Chia sẻ niềm vui khi đấu giá thành công quả na Chi Lăng với giá 50 triệu đồng, ông Nguyễn Tuấn Anh đến từ Hà Nội chia sẻ, anh rất vui vì huyện Chi Lăng đã tổ chức chương trình đấu giá na, một sản phẩm mang thương hiệu riêng có của vùng đất Chi Lăng anh hùng. Bên cạnh việc sở hữu quả na Chi Lăng, anh cũng vui mừng vì góp một phần nhỏ giúp người dân thôn Nà Tẻng 2, xã Vạn Linh có được cây cầu đi lại, góp phần phát triển kinh tế, các cháu học sinh được đến trường an toàn hơn…

Tại xã Bằng Hữu, cùng với quyết tâm thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nguồn vốn các Chương trình MTQG của Trung ương; xuất phát từ nhu cầu thực tế và mong muốn chính đáng của người dân, UBND xã đã xây dựng kế hoạch xây bể bơi tại thôn Mỏ Tuống, với diện tích là 380 mét vuông, dự toán tổng kinh phí xây dựng khoảng 160 triệu đồng. Do hiện nay, điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn; cấp ủy, chính quyền xã đã chủ trương tổ chức kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ và thông qua sự kết nối của Công an huyện Chi Lăng, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Ngọc Lan (Lạng Sơn) đã hỗ trợ xã 30 triệu đồng; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Lạng Sơn hỗ trợ 15 triệu đồng; Công an huyện Chi Lăng hỗ trợ 15 triệu đồng. Đây là công trình có giá trị thiết thực đối với người dân trên địa bàn xã và ở các khu vực lân cận, đặc biệt là với các đơn vị Trường học  tổ chức dạy bơi cho các em học sinh, nhằm giảm thiểu tai nạn đuối nước.

Có thể nói, từ chương trình “Quảng bá, tiêu thụ Na và các sản phẩm OCOP Chi Lăng năm 2023 và huy động xây dựng bể bơi tại xã Hữu Kiên cho thấy, đây là một cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc việc huy động các nguồn lực địa phương, nguồn lực xã hội tại huyện Chi Lăng.

Theo ông Nông Văn Tài, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội - Dân tộc huyện Chi Lăng cho biết, trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, huyện Chi Lăng luôn chú trọng việc huy động các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhiều cá nhân doanh nghiệp tại địa phương bị ảnh hưởng nên việc huy động các nguồn lực xã hội cũng bị hạn chế.

Do đó, các cấp ủy, chính quyền huyện Chi Lăng ngoài nỗ lực thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, huy động các nguồn lực xã hội, huyện Chi Lăng còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, tự lực, tự cường, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.