Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Triển khai Chương trình MTQG 1719 – Góc nhìn từ bố trí vốn

Sỹ Hào - 11:40, 12/12/2023

Với những điều chỉnh về tư duy làm chính sách, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021-2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) đã có bước tiến quan trọng trong việc bố trí nguồn vốn để triển khai trong thực tiễn. Nguồn vốn không chỉ được bố trí cho cả giai đoạn mà kế hoạch vốn trong từng năm cũng được giao sớm để các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, hiện các địa phương đã thực hiện 4.948 công trình trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Khởi công xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào DTTS xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước )
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, hiện các địa phương đã thực hiện 4.948 công trình trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Khởi công xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào DTTS xã Thanh An, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước )

Kịp thời giao kế hoạch vốn

Ngày 11/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các Bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố. Trong đó, Ủy ban Dân tộc được giao 368,644 tỷ đồng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công (riêng vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 là 309,444 tỷ đồng).

Quyết định số 1603/QĐ-TTg cũng đã giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương cho các địa phương. Trong đó, đối với các tỉnh vùng đồng bào DTTS và miền núi, nguồn vốn được giao chủ yếu tập trung thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Đơn cử như Hà Giang, ngân sách Trung ương năm 2024 bố trí cho tỉnh là hơn 2.594,6 tỷ đồng thì vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn là 1.082,05 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách địa phương của Hà Giang cũng đối ứng 1.308,14 tỷ đồng và được bổ sung thêm 460,75 tỷ đồng vốn nước ngoài để triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, trong năm 2023, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg, ngày 3/12/2023. Nguồn vốn ngân sách Trung ương giao trong năm này cho các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng phần lớn tập trung triển khai các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719.

Chương trình MTQG 1719 làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Công trình cứng hóa đường nội xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình được triển khai từ Chương trình MTQG 1719)
Chương trình MTQG 1719 làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Công trình cứng hóa đường nội xóm Tân Sơn, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình được triển khai từ Chương trình MTQG 1719)

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các Chương trình MTQG đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 30/11/2023, với riêng lĩnh vực chi thường xuyên, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát đạt 875.123 tỷ đồng, bằng 73,9% dự toán.

So với cùng kỳ năm 2022, cao hơn 47.061 tỷ đồng về giá trị. Theo ước tính của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 31/01/2024, dự kiến lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua Kho bạc Nhà nước thuộc kế hoạch năm 2023, là 642.865,5 tỷ đồng, bằng 96,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước (kế hoạch là 668.508,1 tỷ đồng).

Đối với Chương trình MTQG 1719 cũng đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Tính đến tháng 6/2023, giải ngân vốn đầu tư công Trung ương đạt 22%, đến tháng 9/2023 đạt 52%, nhiều địa phương giải ngân trên 60%. Nhờ nguồn vốn đã được dự toán, các vướng mắc về cơ chế, thủ tục từng bước được tháo gỡ nên tiến độ thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình MTQG 1719 cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ta.

Các địa phương đã triển khai 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại vùng đồng bào DTTS và miền núi)
Các địa phương đã triển khai 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại vùng đồng bào DTTS và miền núi)

Tạo đột phá trong phát triển

Theo số liệu của Văn phòng điều phối Chương trình MTQG 1719, hiện các địa phương đã thực hiện 4.948 công trình trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ 489 hộ về đất ở, 14.760 hộ thiếu đất sản xuất. Ở các địa phương cũng đã khởi công được 116 dự án bố trí ổn định dân cư, trong đó 29 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng; triển khai 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng, 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt và vượt mục tiêu của Chương trình MTQG. Theo báo cáo của Chính phủ, ước tính tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62% so với năm 2022; ước tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82%, giảm 3,2% so với năm 2022, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo giảm từ 4% - 5%.

Những kết quả đó cho thấy, sự đột phá mà Chương trình MTQG 1719 đã tạo ra trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bởi, như đã nói ở trên, vốn giao cho các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trong 2 năm gần đây, chủ yếu là để triển khai các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719.

Nguồn vốn ngân sách Trung ương giao cho các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trong 2 năm gần đây chủ yếu là để triển khai các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719. (Trong ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên khảo sát triển khai Chương trình MTQG 1719 tại huyện Võ Nhai)
Nguồn vốn ngân sách Trung ương giao cho các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trong 2 năm gần đây chủ yếu là để triển khai các dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719. (Trong ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên khảo sát triển khai Chương trình MTQG 1719 tại huyện Võ Nhai)

Hay như tỉnh Sơn La, năm 2023, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương giao để Sơn La triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia: gần 1.064 tỷ đồng thì Chương trình MTQG 1719 là 780,453 tỷ đồng. Với nguồn lực từ các chương trình, dự án được triển khai kịp thời, hiệu quả đã góp phần để Sơn La đạt chỉ tiêu về giảm nghèo. 

So với cuối năm 2022, thì dự kiến hết năm 2023, Sơn La giảm gần 9.000 hộ nghèo (từ 52.883 hộ xuống còn 44.193 hộ); dự kiến tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 17,83% năm 2022 xuống còn 14,83%.

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình MTQG 1719, trong quá trình triển khai, các Bộ, ngành, địa phương nhận được sự ưu tiên đặc biệt của Quốc hội và Chính phủ trong quá trình triển khai, từ việc bố trí nguồn lực cho đến chỉ đạo thực hiện trong thực tế.

 Bên cạnh đó, Chương trình MTQg có sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp Nhân dân cũng như chính quyền địa phương, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp để triển khai hiệu quả các nội dung đầu tư, hỗ trợ thuộc phạm vi của Chương trình cũng như lồng ghép với các chương trình, dự án khác để gia tăng hiệu quả của chính sách. 

Trong Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, địa phương được hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG 1719 chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương giai đoạn 5 năm, cân đối vốn ngân sách địa phương hằng năm không thấp hơn mức vốn đối ứng thực hiện Chương trình tại địa phương. Trước đó, Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 chỉ yêu cầu, các địa phương bố trí đủ vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 – 2025; đối với các địa phương không bố trí đủ vốn đối ứng trong năm kế hoạch theo quy định, khi phân bổ kế hoạch năm sau, ngân sách Trung ương sẽ trừ tương ứng với số vốn đối ứng còn thiếu của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.