Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Gắn công tác dân vận với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS

Minh Thu - 06:59, 16/12/2023

Triển khai thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), cả hệ thống chính trị và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã đồng thuận vào cuộc, triển khai quyết liệt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi.

Đoàn công tác tỉnh Quảng Ngãi đi khảo sát, học tập kinh nghiệm triển khai Chương trình MTQG 1719 tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Đoàn công tác tỉnh Quảng Ngãi đi khảo sát, học tập kinh nghiệm triển khai Chương trình MTQG 1719 tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Thưa ông, sau gần ba năm thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 10, kết quả nổi bật tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS là gì?

Ông Đỗ Minh Hải: Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 10, Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 769/QĐ-UBND ngày 22/5/2023 về việc cấp loại phương tiện, hình thức, điều kiện, đối tượng nhận hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2023 - 2027, theo đó năm 2023 cấp cho Người có uy tín 1 điện thoại thông minh. Phối hợp với UBND các huyện thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động, công tác của Người có uy tín; về tình hình dân tộc, công tác dân tộc và các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Với vai trò chủ đạo trong thực hiện Chương trình MTQG 1719, đơn vị đã chỉ đạo thực hiện kế hoạch tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông Chương trình năm 2023. Đến nay, đã thực hiện phóng sự tài liệu giới thiệu các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Ngãi; Ghi hình phát lại Chương trình Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ngãi; Xây dựng chuyên trang tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; trên Cổng Thông tin điện tử của Ban Dân tộc; Tổ chức Chương trình đối thoại, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động thúc đẩy khởi sự kinh doanh thuộc Chương trình MTQG 1719.

Đồng thời, Ban Dân tộc đã phối hợp một số cơ quan, đơn vị xây dựng 5.000 tờ gấp truyền thông về Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tổ chức 2 hội nghị tập huấn về Chương trình MTQG 1719 năm 2023 tại huyện Ba Tơ và Trà Bồng cho 107 đại biểu đại diện là Người có uy tín, phụ nữ, đoàn thanh niên xã. Xây dựng 2 chuyên đề chia sẻ một số thông tin triển khai Chương trình MTQG 1719 trên Đài Truyền hình Quốc hội; Xây dựng chuyên đề trên Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi; Chuyển ngữ qua tiếng Co, Hre và phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi về 2 nội dung phóng sự tài liệu thu hút đầu tư và phóng sự tài liệu giới thiệu các mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thành công ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ngãi…

Trong quá trình tổ chức thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 10, những thuận lợi và khó khăn đối với địa phương là gì, thưa ông?

Ông Đỗ Minh Hải: Công tác phối hợp giữa Ban Dân tộc với các sở, ngành trong tỉnh và UBND các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi trong triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân là đồng bào DTTS khá chặt chẽ, hiệu quả. Cùng với đó, sự vào cuộc có trách nhiệm của cán bộ các cấp, sự giúp sức của Người có uy tín trong đồng bào DTTS trong việc tuyên truyền người dân thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần tạo sức lan tỏa của Chương trình MTQG 1719.

Cùng với đó, người dân tích cực tham gia hưởng ứng, đặc biệt là tham gia tương đối đông đủ các hội nghị tập huấn, tuyên truyền. Từ đó, đã có bước chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật; tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư được phát huy, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi…

Có thể nói, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS được tỉnh Quảng Ngãi tổ chức chặt chẽ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; các cơ quan, đơn vị liên quan đều tích cực tham gia thực hiện nghiêm túc và đã đạt một số kết quả bước đầu đáng khích lệ và cần tiếp tục phát huy.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Dự án 10, Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn gặp một số khó khăn. Cụ thể: Vùng đồng bào DTTS và miền núi có địa hình khá phức tạp, nhiều đồi núi cao hiểm trở, thường xuyên chịu ảnh hưởng tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu; là địa bàn xung yếu về an ninh quốc phòng của tỉnh nên công tác tuyên truyền, vận động chưa được triển khai rộng khắp. Phần lớn, đồng bào DTTS sinh sống ở các huyện miền núi, thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh có trình độ dân trí không đồng đều, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của người dân chưa được xóa bỏ, làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của bà con. Bởi thế, trong triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án, công tác tuyên truyền đến từng địa phương, từng hộ gia đình là DTTS đều hết sức khó khăn, tốn kém và mất nhiều thời gian.


Trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, Người có uy tín đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, Người có uy tín đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Ông có đề xuất, kiến nghị gì trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới?

Ông Đỗ Minh Hải: Để thực hiện có hiệu quả Dự án 10, Chương trình MTQG 1719, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi đề xuất tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS. Thực hiện tốt Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 28/6/2022 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 04/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi về công tác dân tộc. Tiếp tục thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS, nhất là quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, đồng bào DTTS. Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò Người có uy tín, già làng, trưởng thôn trong công tác tuyên truyền, vận động. Gắn công tác dân vận với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS. Chú trọng thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, trọng tâm là triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG 1719. Quan tâm biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.