Xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ là một trong những xã vùng cao thuộc Chương trình 135, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đường giao thông đi lại rất khó khăn. Cuối năm 2018, người dân ở xã rất phấn khởi, bởi công trình xây dựng cầu vượt ở xóm Đồng Mây có chiều dài 21m, rộng 3m được bắc qua suối đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là con đường duy nhất nối 5 xóm Đồng Luông, Đồng Mây, Làng Giếng, Hồng Phong và Lân Quan với trung tâm xã.
“Trước kia, mỗi khi mùa mưa đến, nước ở con đập dâng lên thì gần 800 hộ dân ở những xóm này hầu như bị cô lập. Nước rút nhanh thì cũng mất 1 ngày, lâu thì phải 2 - 3 ngày khiến việc đi lại của bà con và việc đến trường của các cháu nhỏ gặp nhiều khó khăn. Từ khi có cây cầu, bà con không phải lo nữa. Mừng nhất là đám trẻ con không phải nghỉ học vì đập tràn bị ngập” bà Hoàng Thị Hợi, xóm Đồng Mây phấn khởi cho biết.
Không chỉ hỗ trợ hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Phú Lương, từ Dự án hỗ trợ sản xuất được đầu tư trên 12,8 tỷ đồng, địa phương hỗ trợ người dân mua máy nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chỉ tính riêng tại xã Hợp Thành, Dự án đã hỗ trợ cho gần 400 hộ nghèo, cận nghèo gần 500 máy móc các loại, như: Máy cắt cỏ, máy phun thuốc, tôn quay làm chè, máy cày bừa... Năm 2019, gia đình chị Nguyễn Thị Phương Loan là hộ cận nghèo ở xóm Tiến Bộ, xã Hợp Thành, huyện Phú Lương được Chương trình 135 hỗ trợ kinh phí mua máy cày, chị bỏ thêm 50% tiền mua máy cày trị giá trên 15 triệu đồng, phục vụ việc sản xuất của gia đình. Nhờ có công cụ sản xuất, có việc làm, đã giúp gia đình chị tăng thu nhập, từng bước ra khỏi danh sách hộ cận nghèo của xã.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, thực hiện Chương trình 135, từ năm 2016 đến nay, với tổng nguồn vốn đầu tư là 444 tỷ đồng, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư xây dựng 368 công trình, trong đó: 238 công trình giao thông, 45 công trình thủy lợi, 28 công trình trường học, 3 công trình trạm y tế, 33 nhà văn hóa; xây dựng 382 dự án hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư sản xuất, mua sắm trang thiết bị công cụ chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho gần 35.000 lượt hộ, tạo điều kiện tích cực cho đồng bào các DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước thay đổi tập quán sản xuất… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã 135 giảm bình quân 5%/năm, vượt mục tiêu đề ra của Chương trình 135 là giảm 4%; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Thái Nguyên giảm 2%/năm. Đưa Thái Nguyên là tỉnh có tốc độ phát triển tăng 3 bậc, đứng thứ 2 trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và là tỉnh có số hộ nghèo thấp nhất.
Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chương trình 135 đã mang lại hiệu quả, dấu ấn trong việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nguồn lực từ Chương trình 135 đã góp phần giúp địa phương có thêm điều kiện, nguồn vốn để đồng bộ kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo ở các thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi.