Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trao "cơ nghiệp" gặt ấm no

PV - 10:14, 05/03/2018

Sau 7 năm thực hiện, Dự án Ngân hàng bò đã trao gần 700 con bò giống- những "cơ nghiệp" quý giá cho hộ nghèo của 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Từ những "cơ nghiệp" ấy cũng có không ít hộ nghèo đã có cuộc sống ấm no hơn...

Dự án Ngân hàng bò được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai tại tỉnh Điện Biên từ năm 2010.

Hình thức trợ giúp là hỗ trợ 1 con bò sinh sản cho hộ nghèo. Hộ được hỗ trợ sẽ chăm sóc bò đến khi sinh bê và nuôi dưỡng đủ 6 tháng, sau đó chuyển giao cho hộ nghèo khác (nếu là bê cái), sau đó được toàn quyền sở hữu bò mẹ.

Trong trường hợp bò sinh bê đực, Ban quản lý dự án sẽ bán bê để mua bò sinh sản hỗ trợ hộ nghèo khác (bán 2 bê đực, mua 1 bò sinh sản).

Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với chính quyền xã Mường Tùng, huyện Mường Chà trao bò cho hộ nghèo trên địa bàn. Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với chính quyền xã Mường Tùng, huyện Mường Chà trao bò cho hộ nghèo trên địa bàn.

 

Bà Đào Thị Luyến, Trưởng ban Công tác xã hội-Cứu trợ (Hội Chữ thập đỏ tỉnh), cho biết: Để Dự án đạt hiệu quả, trước khi bò giống đến tay hộ nghèo là cả 1 quá trình chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ. Ban Quản lý dự án cấp huyện, xã phải đảm bảo việc khảo sát, bình xét hộ nghèo công khai, minh bạch, chuẩn xác. Hộ được hỗ trợ cũng phải thực sự muốn thoát nghèo, có như vậy bà con mới cố gắng áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ vật nuôi.

Sau 7 năm triển khai, đến nay, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã và đang trực tiếp làm đầu mối tiếp nhận, điều phối và quản lý trên 700 con bò giống tại 6 huyện. Số bò sinh sản thêm là 365 con, đã luân chuyển cấp mới 277 con cho hộ nghèo khác, số còn lại chưa đủ thời gian luân chuyển.

Trị giá từ sự sinh sôi, phát triển của Dự án khoảng trên 2,1 tỷ đồng. Hình thức hỗ trợ cấp thẳng cho người nghèo không yêu cầu luân chuyển tại các xã Nà Nhạn (huyện Điện Biên), xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo), xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) và xã Thanh Minh, Tà Lèng (TP. Điện Biên Phủ) đến nay cũng đạt kết quả đáng ghi nhận với tổng số 38 con bò sinh sản; trị giá khoảng 380 triệu đồng…

Chính từ những đầu "cơ nghiệp" ấy, đã có không ít hộ nghèo đã có cuộc sống ấm no hơn. Gia đình bà Nông Thị Hoài, dân tộc Tày ở đội 3, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên là một ví dụ cụ thể. Trước khi nhận bò, đây là hộ nghèo, đến nay nhờ nỗ lực học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật, quản lý chăm sóc cẩn thận, bò sinh sản được 4 lứa, gia đình bán 2 con để trang trải cuộc sống. Bà Hoài dự định sẽ chăm sóc tốt hơn 2 con bò còn lại để phát triển chăn nuôi.

Cũng được hỗ trợ từ Dự án, đến nay bò đã sinh được 4 con; song gia đình bà Nông Thị Xích, dân tộc Tày ở đội 17, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên lại chọn cách phát triển kinh tế khác hơn. Gia đình đã bán 2 con bò để lấy tiền mua thêm 2 con trâu, xe máy và một số vật dụng khác.

Gia đình dự định sẽ chăm sóc, tăng đàn cả trâu và bò để phát triển kinh tế lâu dài. Trao "cơ nghiệp" cho hộ nghèo, Dự án Ngân hàng bò với sự nỗ lực của ban quản lý dự án các cấp, chính quyền cơ sở và ngành liên quan đã giúp nhiều hộ nghèo tỉnh Điện Biên "gặt" ấm no, hạnh phúc.

MAI THỦY

Tin cùng chuyên mục