Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trang phục truyền thống giàu cá tính của người Giẻ Triêng

Nguyệt Anh (T/h) - 11:20, 04/07/2021

Dân tộc Giẻ Triêng có một nền văn hóa dân gian khá đặc sắc và bảo lưu được nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của cư dân khu vực Bắc Tây Nguyên ở Việt Nam. Đặc biệt, trang phục của người dân tộc Giẻ Triêng thể hiện cá tính riêng trong phong cách tạo hình và cách ăn vận.

Phụ nữ Giẻ Triêng mặc váy thổ cẩm, quấn thêm một chiếc áo choàng bên ngoài
Phụ nữ Giẻ Triêng mặc váy thổ cẩm, quấn thêm một chiếc áo choàng bên ngoài (Ảnh tư liệu)

Dân tộc Giẻ Triêng cư trú chủ yếu ở 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Tại Kon Tum có nhóm địa phương là Gié và Triêng. Còn tại các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam, người Giẻ Triêng có các nhóm T’riêng, Ve, Bnoong.

Trang phục truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng lên sàn diễn
Trang phục của dân tộc Giẻ Triêng lên sàn diễn

Từ xa xưa, người Giẻ Triêng tranh thủ lúc nông nhàn để tự dệt vải. Khung cửi dệt vải của người Giẻ Triêng khá thô sơ, chỉ dệt được vải khổ hẹp. Đồng bào thường trồng bông vào tháng 5 và thu hoạch vào tháng 10. Bông sau khi thu hoạch về, được phơi khô bật tơi, sau đó xe thành sợi rồi đem nhuộm trước khi dệt thành sản phẩm quần áo. Dưới bàn tay khéo léo, các cô gái Giẻ Triêng đã tạo nên những bộ trang phục truyền thống và tấm choàng với hoa văn và màu sắc đầy cá tính.

Phụ nữ Giẻ Triêng ở Kon Tum mặc trang phục truyền thống trong nghi lễ gùi củi hứa hôn
Phụ nữ Giẻ Triêng ở Kon Tum mặc trang phục truyền thống trong nghi lễ gùi củi hứa hôn (Ảnh Tư liệu)

Y phục truyền thống của người Giẻ Triêng có váy, áo, xà cạp, áo choàng dành cho phụ nữ và khố, áo khoác, khăn, mũ, dành cho đàn ông.

Váy được tạo nên từ 2 tấm vải bông, khâu ghép theo chiều rộng rồi khâu nối thành hình ống. Nền váy màu chàm đen, với các hoa văn trang trí kết hợp giữa màu đỏ và màu trắng. Váy dùng trong lễ hội thường có trang trí hoa văn đẹp. Khi mặc, phụ nữ Giẻ Triêng thường quấn váy cao ngang nách, che kín bộ ngực. Nét độc đáo nhất trong trang phục truyền thống của đồng bào Giẻ Triêng là cả nam lẫn nữ đều sử dụng tấm áo khoác, một loại hình trang phục choàng quấn mang dấu ấn cổ xưa.

Xà cạp giúp tăng thêm vẻ đẹp nữ tính của bộ trang phục truyền thống của người Giẻ Triêng (nhóm địa phương Bh’noong ở Quảng Nam)
Xà cạp giúp tăng thêm vẻ đẹp nữ tính của bộ trang phục truyền thống của người Giẻ Triêng (nhóm địa phương Bh’noong ở Quảng Nam)- Ảnh NVS

Đặc biệt, người Bhnoong (một nhóm địa phương của dân tộc Giẻ Triêng ở Phước Sơn) là tộc người sử dụng xà cạp duy nhất ở vùng núi Trường Sơn. Mép xà cạp được gấp và khâu viền cho sợi vải khỏi xổ ra, phía dưới cổ chân còn đeo thêm vòng cườm ngũ sắc. Cách phục sức này đến nay vẫn còn phổ biến vì nó vừa giữ ấm cơ thể, vừa chống côn trùng cắn. Xà cạp quấn chân làm cho thân hình phụ nữ trở nên gọn gàng, kín đáo. Trong lễ hội, các cô gái Bhnoong không quên trưng diện chiếc xà cạp để làm đẹp thêm bộ trang phục truyền thống đặc trưng của dân tộc mình. Người Giẻ Triêng đeo trang sức như vòng cổ, hoa tai, vòng tay, vòng chân…

Đồng bào Giẻ Triêng (nhóm Bhnoong ở Quảng Nam) thường đeo nhiều trang sức khi tham gia lễ hội
Đồng bào Giẻ Triêng (nhóm Bhnoong ở Quảng Nam) thường đeo nhiều trang sức khi tham gia lễ hội

Phụ nữ Giẻ Triêng thường để tóc dài, quấn sau gáy và làm đẹp bằng nhiều loại trang sức như vòng bạc, đồng, chuỗi cườm, đeo cổ tay, chân và tai. Đối với tầng lớp phụ nữ khá giả thường đeo hoa tai bằng ngà voi. Vòng ống tay là loại trang sức có giá trị nhất của đồng bào. Loại vòng này là đồ trang sức của các phụ nữ cao tuổi ở các gia đình khá giả. Họ thường đeo vòng ở cánh tay trái, khi đi dự lễ hội đâm trâu.

Già làng dân tộc Giẻ Triêng có rất nhiều đồ trang sức
Già làng dân tộc Giẻ Triêng thường có nhiều bộ trang sức để đeo khi thực hiện các nghi lễ văn hóa

Theo truyền thống, nam giới người Giẻ Triêng để tóc ngắn và đội khăn chàm theo lối chữ nhất trên đầu, có xâu lỗ tai, đeo hoa tai bằng gỗ quý, bằng tre ngà hoặc bằng ngà voi. Nam giới người Giẻ Triêng còn xăm mình với những đường nét hoa văn hình học khá đơn giản.

Trong các dịp lễ tết, đàn ông Giẻ Triêng mặc thêm các tấm choàng rộng màu chàm có các mầu sắc trang trí phủ kín thân.
Trong các dịp lễ tết, đàn ông Giẻ Triêng khoác thêm tấm choàng rộng phủ kín thân.

Về trang phục, đàn ông Giẻ Triêng mặc khố, ở trần, trời lạnh thì mặc thêm tấm áo, khoác ngoài chéo qua vai, màu chàm có các sọc trang trí. Khố của người Giẻ Triêng là loại khố hẹp, dài, không có tua. Thân và các mép khố được viền và trang trí hoa văn ở hai đầu trên nền chàm. Đặc biệt, nam giới người Giẻ Triêng cũng đeo vòng cổ, vòng ngoài giống như chuỗi hạt vòng. Trong các dịp lễ tết, đàn ông Giẻ Triêng mang thêm các tấm choàng rộng màu chàm có các mầu sắc trang trí phủ kín thân.

Riêng trẻ dưới 4 tuổi, bé trai người Giẻ Triêng thường đeo đôi lắc bằng bạc có quả chuông nhỏ, ở hai cổ chân.

Trước đây, mỗi sản phẩm trang phục do chính người Giẻ Triêng làm ra chủ yếu chỉ để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của họ. Dần dần, các sản phẩm trang phục cũng đã được họ dùng để trao đổi hàng hóa.

Trang phục truyền thống của người Giẻ Triêng 4
Đồng bào Giẻ Triêng vui hội (Ảnh TL)

Ngày nay, quá trình phát triển kinh tế cũng như hội nhậptrong cuộc sống, đã ảnh hưởng tới trang phục truyền thống của đồng bào GiẻTriêng, đặc biệt là trang phục của người Việt (dân tộc Kinh) đã thâm nhập đến tậncác làng bản xa xôi của người Giẻ Triêng. Chính vì vậy, trong sinh hoạt đời thường,người Giẻ Triêng ăn mặc đơn giản, nhưng trong các dịp lễ hội quan trọng, đồngbào vẫn mặc những bộ trang phục cổ truyền dân tộc của mình.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.