Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trang phục của nam giới Mnông

Lam Anh (t/h) - 17:26, 19/02/2022

Trang phục của người Mnông có những đặc tính chung với nhiều dân tộc Tây Nguyên, phổ biến là các loại trang phục kiểu choàng quấn. Nhắc đến y phục truyền thống của nam giới Mnông là nhắc đến chiếc khố và áo choàng hình chữ X mang dáng dấp dũng mãnh như một chiến binh thời xưa.

Tìm về trang phục cổ truyền

Trước đây nam giới Mnông chỉ đóng khố và ở trần
Trước đây nam giới Mnông chỉ đóng khố và ở trần

Từ thời xa xưa, người Mnông đã biết chọn vỏ cây làm trang phục để che đậy, bảo vệ cơ thể, chống lại giá rét. Nguyên liệu làm trang phục từ những loại cây có sẵn trong rừng như cây bril, cây r’ban... Vỏ cây được bóc thành từng tấm, có kích thước tùy ý của từng cây, sau đó dùng đá cuội hoặc dùng bàn đập bằng gỗ, đập dập đem ngâm nước cho rã hết phần lõi, chỉ còn lại xơ mang phơi khô, sau đó tước thành sợi nhỏ đưa vào khung dệt.

Trước kia, khố vỏ cây được dệt đơn giản và thường thô ráp, phần lớn để trơn (màu sợi), chỉ trang trí hai đường chỉ màu trắng, đỏ kết hợp với màu nền ở hai bên mép dọc theo thân khố, hai đầu để thừa sợi tạo thành tua một cách tự nhiên và không như khố dệt bằng sợi bông. Sau này, người Mnông đã biết lấy chất liệu bông để chế biến thành sợi và dệt thành vải. Cho nên khố mới được trau chuốt, thêm thắt bởi sợi bông với các màu sắc khác nhau cùng với các họa tiết, hoa văn để làm cho khố chắc hơn, đẹp hơn.

Để làm ra một sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn và tốn rất nhiều thời gian. Đầu tiên phải là khâu chuẩn bị các nguyên liệu như sợi bông, lá trầu, củ nghệ, củ nâu, củ chàm…

Nguyên liệu chính dùng dệt thổ cẩm của người Mnông là bông. Khung dệt thổ cẩm của người Mnông được làm bằng tre nứa, gỗ có sẵn. Để tạo các hoa văn, người dệt sắp xếp trật tự màu sắc của các sợi vải hợp thành thảm dọc ứng với kiểu trang trí được lựa chọn, rồi trong quá trình dệt những sợi chỉ ngang dải hoa văn trên áo, váy, khố thường gần gũi với thiên nhiên, phản ảnh các sinh hoạt đời sống thường ngày của người Mnông. Đó là những dãy núi, nước sông lượn chảy, mưa rơi, hình con cá, hình lượn sóng, lá dứa, tổ ong, trái trám, rau dớn, chiêng, ché, ngà voi… được cách điệu.

Trang phục của trẻ em Mnông (ảnh Tấn Vịnh)
Trang phục của trẻ em Mnông (ảnh Tấn Vịnh)

Dưới đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ, những họa tiết đều mang tính cách điệu cao và thường thể hiện bằng các hoa văn khá đặc trưng với nhiều màu sắc. Chị em thường dệt khố vào những lúc rảnh rỗi hay những ngày nông nhàn. Một chiếc khố được dệt nhanh và liên tục thì thời gian khoảng một tháng; đôi khi đến vài ba tháng tùy vào độ tinh xảo của chiếc khố.

Nhìn khố hoa để đánh giá sự tài hoa người vợ

Trang phục như những chiến binh của nam giới Mnông 2

Nam giới người Mnông sử dụng 3 loại khố truyền thống gồm: Khố trắng, khố đen, khố hoa. Trong đó, khố trắng có 2 loại là khố dệt bằng sợi vỏ cây (troi djăr) và khố dệt bằng chỉ trắng (troi bok), chiếc khố này dài từ một đến hai vòng lưng, người nghèo họ thường quấn khố này.

Khố đen dệt bằng chỉ màu đen, có dệt hoa văn ở hai đầu khố, cuối đầu khố se thành chùm sợi, chiếc khố này dài từ 3 đến 5 vòng lưng, người bình thường họ quấn loại khố này.

Khố hoa được dệt bằng chỉ đen (troi nhong), hai đầu có dệt hoa văn, phía cuối hai đầu khố có kết hoa bạc hoặc đồng, hay hạt cườm, dài từ 5 đến 7 vòng lưng và chỉ những người giàu sang có địa vị mới quấn loại khố này. Khi chủ nhân quấn chiếc khố này khi đi dự lễ hội trong bon thì được mọi người kính trọng và mến phục. Người đàn ông nào mà quấn khố hoa, thiên hạ ai ai cũng trầm trồ hết lời khen ngợi sự khéo tay và tài hoa của người vợ.

Khỏe khoắn áo hình chữ X

Chiếc áo choàng quấn hình chữ X của người đàn ông Mnông gọi là áo r’hăp, được làm bằng vải hoặc bằng chăn. Áo r’hăp chỉ cần xếp chăn, vải thành vài ba lớp theo chiều dài, sau đó choàng từ sau lưng qua lồng ngực, đưa lên hai vai rồi nhét sau lưng. Người ta choàng tấm áo này khi đi dự lễ hội hoặc lúc hội họp bàn bạc các sự việc quan trọng.

Trang phục như những chiến binh của nam giới Mnông 3

 Trang phục r’hăp njuh chỉ phù hợp với các chủ làng hoặc các già làng, tộc trưởng, còn những cụ già bình thường và những thanh niên trẻ tuổi mặc trang phục r’hăp là không phù hợp, trừ những thanh niên có uy tín với buôn làng, được tôn vinh, thay mặt buôn làng đứng ra giải quyết vụ việc gì thì mới được mặc trang phục r’hăp njuh.Người mặc r’hăp njuh cũng tăng vẻ oai hùng, khiến cho mọi người kính trọng.

Món trang sức không thể thiếu của đàn ông Mnông được làm bằng chỉ để buộc trên núm tóc. Đồng bào Mnông dùng chỉ len đỏ dài độ một gang tay xếp làm đôi, kết nhiều núm chỉ đỏ, chỉ trắng thành một xâu gọi là nka sut. Trên đầu quấn tấm vải đen gọi là rbay.

Gia đình nào có con trai cũng phải mua cho chồng và con trai mình một chiếc rbay để quấn đầu cho "nở mặt nở mày" với buôn làng, nhất là trong những ngày lễ hội. Phía dưới rbay còn cài thêm hạt cườm màu, kết trên miếng vải dệt hoa. Xâu cườm hoa này gọi là ntêng, một chiếc ntêng trị giá 1 con lợn to. Chỉ những người chủ làng và các già làng, các tộc trưởng mới cần quấn ntêng cho thêm phần sang trọng.

Hiện nay, một số vùng, đồng bào Mnông mặc trang phục giống người Mạ, người Ê Đê. Lối phục sức cổ xưa không còn xuất hiện nữa, thay vào đó là các loại hình trang sức như hạt cườm, vòng bạc... để đồng bào Mnông làm đẹp trong ngày hội của buôn làng.

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.