Tràng Định được coi là thủ phủ của cây thạch đen, một loại cây có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2010, huyện quy hoạch vùng trồng thạch đen tại 8 xã phía Tây như: Đoàn Kết, Cao Minh, Tân Tiến, Kim Đồng, Đề Thám… diện tích thạch đen duy trì hằng năm từ 1.500 - 2.000 ha.
Được biết, trước khi xây dựng chuỗi liên kết, huyện Tràng Định đã nâng diện tích, chất lượng vùng trồng, quảng bá thương hiệu đối với cây thạch đen. Đồng thời, năm 2017, huyện bắt tay vào việc triển khai xây dựng kết nối một số doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết nhằm tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Để hình thành liên kết doanh nghiệp với người dân, UBND huyện Tràng Định đã kết nối, tạo điều kiện để Công ty TNHH sản xuất và đầu tư Xuất nhập khẩu Đức Quý, thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm cho trên 300 hộ dân, tại hầu hết các xã trồng thạch đen của huyện. Đặc biệt, từ tháng 10/2020, UBND huyện Tràng Định đã phối hợp với Sở Công Thương Lạng Sơn, lựa chọn các xã: Cao Minh, Tân Tiến, để thực hiện thí điểm mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – nông dân trong tiêu thụ và cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.
Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Huyện đã và đang triển khai các chính sách đặc thù, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị và vùng nguyên liệu sản xuất nông, lâm nghiệp.
Đặc biệt, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân để xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ cung ứng vật tư nông nghiệp, đến bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh các giải pháp liên kết tiêu thụ sản phẩm, người dân còn được phổ biến các nội dung, yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn đối với cây thạch, nâng cao chất lượng của sản phẩm, đảm bảo chất lượng.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND xã Đề Thám cho biết: Cấp ủy chính quyền xã xác định, thạch đen là cây trọng tâm để giảm nghèo cho nhân dân, nên chúng tôi luôn quan tâm, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thạch cho bà con.
Để nâng cao chất lượng cây thạch, xã đã thành lập các tổ hướng dẫn hội viên, người nông dân trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản thạch đúng khoa học kỹ thuật; tham gia rà soát diện tích đất thuận lợi trồng thạch đen. Đồng thời, tuyên truyền và theo dõi việc diệt cỏ của người dân, không để người dân sử dụng thuốc diệt cỏ gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hiện nay toàn xã có diện tích trồng cây thạch đen khoảng 90ha, tăng 20ha so với năm 2020.
Đặc biệt trong năm 2020, cây thạch đen ở Lạng Sơn chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đây chính là cơ hội phát triển kinh tế lớn của Tràng Định.
Anh Chu Văn Huân, thôn Nà Noọng xã Đề Thám cho biết: "Sau khi biết thạch đen xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gia đình chúng tôi đã tăng diện tích trồng thạch từ 3 sào lên 6 sào, chúng tôi thấy phấn khởi với việc trồng thạch và giá trị của nó mang lại. Gia đình tôi có thu nhập ổn định từ cây thạch để trang trải cho cuộc sống".
Thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết, giá trị cây thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định đã tăng cả về quy mô và chất lượng. Năm 2021, diện tích cây thạch đen đã tăng gấp 2 lần năm trước, tương đương với khoảng 3.000 ha thạch đen. Bên cạnh đó, giá thu mua thạch đen từ đầu năm 2020, đã tăng từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; tổng thu hằng năm trung bình được khoảng 200 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước năm 2017.
Việc phát triển các vùng sản xuất và xây dựng các chuỗi liên kết đối với cây thạch đen đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Tràng Định. Đây sẽ là tiền đề để huyện tiếp tục phát triển các sản phẩm chủ lực khác theo hướng hàng hóa gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm.