Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), hằng năm có hơn 2.000 trẻ nhỏ tử vong do đuối nước. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ nhỏ bị đuối nước vô cùng cao trên thế giới. Trong đó, trẻ em vùng miền núi, vùng DTTS, có tỷ lệ đuối nước cao hơn tại khu vực thành thị. Nguyên nhân chính là do sự chủ quan và thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống của phụ huynh khi trẻ nhỏ tham gia tắm, bơi tại vùng sông nước.
Trong 2 tuần trở lại đây, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi nhập viện do đuối nước. Trong đó, trường hợp trẻ 6 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp vì đuối nước. Đau lòng hơn cả, vào đầu tháng 5 vừa qua, cũng tại địa phương này đã có 2 nữ sinh lớp 10, là em N.T.N và Đ.H.V, học sinh Trường Giao thông Cơ điện Quảng Ninh thiệt mạng do đuối nước. Sự việc đáng tiếc xảy ra do các em đã bơi tại khu vực cồn nổi, ngoài khu vực an toàn cho phép và bị luồng nước cuốn ra xa bờ.
Nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng bơi, chia sẻ kinh nghiệm, cách xử lý tình huống khi bị đuối nước cho trẻ nhỏ, Tổng cục Phòng chống Thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống đuối nước thông qua Fanpage “Thông tin phòng, chống thiên tai” trên ứng dụng Facebook.
Thông qua ứng dụng này, cộng đồng được đặt câu hỏi trực tiếp với chuyên gia, đồng thời cũng có thể chia sẻ trực tiếp những trường hợp bản thân mắc phải trong đuối nước để cùng nhau bàn luận, rút kinh nghiệm. Các câu hỏi thường tập trung vào những nội dung như: Sự khác nhau giữa bơi ở biển, ở sông so với bể bơi; làm thế nào khi bị đuối nước, chuột rút… đều được người dùng gửi trực tiếp tới chuyên gia.
Ông Nguyễn Văn Thủy, chuyên gia huấn luyện bơi chia sẻ cho biết: “Khác với bể bơi, tại sông, biển có luồng nước và vùng an toàn. Để tránh đuối nước khi bơi ngoài vùng an toàn, việc quan trọng nhất là giữ được bình tĩnh, thả lỏng người để nổi tự nhiên, thở đều cho cơ thể có ôxi và sau một vài giây có thể bơi lại vùng an toàn”.
Từ những câu chuyện được chia sẻ trực tiếp trên ứng dụng Facebook, người dân có thể nâng cao được nhận thức trong phòng, chống đuối nước cho bản thân, đặc biệt là hướng dẫn những kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ nhỏ. Có thể nói việc sử dụng hiệu quả, khai thác tối đa Internet và mạng xã hội trong công tác tuyên truyền là hết sức cần thiết và Chương trình “Phòng, chống đuối nước cho trẻ nhỏ” do Tổng cục Phòng chống Thiên tai tổ chức là một ví dụ hiệu quả điển hình trong thực tế.
Hy vọng rằng, bằng sức lan tỏa rộng khắp của mạng xã hội, các bậc phụ huynh, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên có thêm kiến thức cần thiết để tự bảo vệ bản thân khi tham gia các hoạt động dưới nước.